Sáng 7/5, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Chính sách lương thực quốc tế và Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn phối hợp tổ chức hội thảo “Thực trạng cho vay theo chuỗi giá trị tại Việt Nam và một số nước Đông Nam Á”.
Hội thảo đã thảo luận về các kinh nghiệm tín dụng theo chuỗi giá trị nông nghiệp ở Indonesia, Myanmar, Việt Nam và trình bày các kết quả nghiên cứu giai đoạn 2 của dự án, đồng thời đề xuất các gợi ý chính sách liên quan cho các nước tham gia.
Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Trương Thị Thu Trang – Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn khẳng định, tín dụng đóng vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tín dụng chuỗi giá trị nông nghiệp là xu hướng để phát triển nền nông nghiệp hiện đại, qua đó giúp giải quyết nhu cầu tài chính của của tất cả các tác nhân tham gia trong chuỗi từ sản xuất, chế biến và phân phối; thông qua tín dụng theo chuỗi, tất cả các tác nhân tham gia phải tuân thủ các cam kết vì lợi ích chung để đạt được mục tiêu đề ra.
Nông nghiệp, nông thôn luôn được Đảng và Nhà nước đã xác định là một trong những lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn, từ đó, ban hành, triển khai nhiều chính sách tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Theo đó, Nghị quyết số 19 ngày 16/6/2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã chỉ rõ: “Dành nguồn vốn tín dụng ưu đãi, khuyến khích các tổ chức tín dụng cho vay đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn; hỗ trợ tín dụng cho hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ nông thôn phát triển sản xuất kinh doanh”.
Đổi mới chính sách tín dụng là giải pháp quan trọng để thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững theo Quyết định số 150 ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ “Phát triển thị trường tài chính, tín dụng vi mô, các sản phẩm dịch vụ tài chính mới…đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn, đặc biệt phục vụ sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, theo chuỗi giá trị, nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ, sinh thái… thực hiện cơ chế cho vay theo chuỗi giá trị nông nghiệp gắn với bảo hiểm nông nghiệp”.
Theo bà Trang, tín dụng giúp tạo ra tăng trưởng và giá trị gia tăng trong chuỗi, khiến lợi ích các bên tăng lên, là mấu chốt để liên kết, hợp tác bền vững; Với các tổ chức tín dụng ngoài mở rộng quy mô dư nợ lớn hơn còn tạo mối quan hệ với tác tác nhân trong và ngoài chuỗi giá trị và nhiều lợi ích khác.
Tuy nhiên, thời gian qua dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ về tín dụng được triển khai, song việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng của nông dân vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức, các tổ chức tín dụng cũng gặp không ít rủi ro khi đầu tư tín dụng ở khu vực nông nghiệp, nông thôn. Các hộ nông dân nhỏ của Việt Nam cũng như các hộ nông dân nhỏ ở những nước đang phát triển đang phải đối mặt với nhiều hạn chế trong phát triển sản xuất, bao gồm việc khó tiếp cận tín dụng do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Tại hội thảo, Tiến sĩ Alan de Brauw, Giám đốc Dự án đã thông tin kết quả nghiên cứu giai đoạn 2 của dự án nghiên cứu về “Cho vay theo chuỗi giá trị nông nghiệp”, thực hiện tại Việt Nam và một số nước Đông Nam Á (Myanmar, Indonesia).
Cụ thể, nghiên cứu từ Myanmar “Lựa chọn và Tác động: Hệ thống chấm điểm tín dụng tự động cho tín dụng vi mô nông nghiệp”. Theo đó, nghiên cứu tác động không đồng nhất theo điểm tín dụng, đối với nhóm can thiệp ngẫu nhiên và can thiệp không ngẫu nghiên có một số tác động tích cực đến thu nhập nông nghiệp, đặc biệt đối với nông dân có điểm tín dụng cao hơn. Bài học rút ra cho thấy: (1) Người nhận khoản vay chi tiêu nhiều hơn đầu vào nông nghiệp, đặc biệt là phân bón; (2) Điểm tín dụng không dự đoán được khả năng trả nợ quá hạn; (3) Nghiên cứu cho thấy có ít bằng chứng về sự không đồng nhất trong tác động của điểm tín dụng, cho thấy mức độ hạn chế của các mô hình chấm điểm tín dụng có sẵn.
Kết quả nghiên cứu “Tài chính chuỗi giá trị nông nghiệp đổi mới và toàn diện tại Indonesia”. Kết quả nghiên cứu cho thấy, (1) Hầu hết tác nhân trung gian ngần ngại trong việc thực hiện thử nghiệm tín dụng do rủi ro cao và phải chịu sự kiểm soát phân phối tín dụng; (2) Nông dân không tiếp cận dễ dàng được tín dụng tài chính công nghệ; (3) Một số tổ chức tài chính phi ngân hàng phân phối tín dụng toàn diện cho nông dân, nhưng không đổi mới do yêu cầu về tài sản thế chấp của bên nợ.
Kết quả nghiên cứu từ Việt Nam “Dịch vụ tài chính toàn diện tại Việt Nam”. Nghiên cứu sử dụng phương pháp đối chứng ngẫu nghiên, tiến hành thử nghiệm trong nhóm nông dân trồng cà phê Arabica ở Sơn La thường bán cà phê cho Công ty cà phê Phúc Sinh. Kết quả nghiên cứu cho thấy, (1) Chứng nhận bởi Rainforest Alliance dường như không dẫn đến lợi nhuận cao hơn; (2) Nhu cầu thực hiện vay vốn của người dân thấp, bất chấp về điều khoản có lợi (tính từ thời gian giới thiệu “thí điểm” đến thời gian sau tết năm 2023). Bài học rút ra: Mô hình cho vay có sự tham gia của nhiều bên liên quan trong một chuỗi giá trị, vốn chỉ phù hợp với các chuỗi giá trị cụ thể và độc quyền; Nên lựa chọn chuỗi giá trị có tác nhân liên kết trực tiếp với nông dân; Sản phẩm cho vay cần dựa trên nhu cầu và sự ưu tiên của các tổ chức tài chính.
Nguồn: https://danviet.vn/vi-sao-nong-dan-van-kho-tiep-can-tin-dung-nong-nghiep-20240507112423549.htm