Những vụ mùa “được mùa mất giá” ở Ninh Thuận
Quảng Sơn là xã thuần nông ở huyện miền núi Ninh Sơn (Ninh Thuận), được xem là thủ phủ cây mía và cây mì ở tỉnh Ninh Thuận với tổng diện tích gần 3000ha, chiếm hơn 60% đất sản xuất nông nghiệp.
Nhiều nông dân địa phương cho biết, do đặc thù khí hậu và điều kiện thổ nhưỡng, chỉ có cây mía và cây mì được trồng phổ biến và cũng là cây chủ lực trong phát triển kinh tế của địa phương.
Tuy nhiên, với tư duy sản xuất nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Một năm chỉ có 1 vụ thu hoạch nhưng thường lâm cảnh được mùa mất giá, được giá mất mùa khiến nhà nông không mấy mặn mà.
Nông dân Nguyễn Mai Tiên, người có hơn 15 năm trồng mía ở thôn Triệu Phong, xã Quảng Sơn, huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) cho hay, mặc dù giá mía đường ở xã Quảng Sơn luôn ổn định ở mức 800.000 – 1.000.000 đồng/tấn (có lúc hơn 1 triệu/tấn) đối với mía đạt 10 chữ đường.
Giá ổn định là vậy nhưng người trồng mía vẫn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do nông dân thiếu liên kết trong sản xuất, người trồng mía chưa có kế hoạch sản xuất rõ ràng nên đến mùa thường thu hoạch đồng loạt. Việc vận chuyển mía bán về nhà máy gặp nhiều khó khăn. Có trường hợp mía đã thu hoạch xong nhưng phải nằm phơi nắng nhiều ngày dẫn đến sản lượng và chất lượng bị hao hụt, chủ mía phải chịu thiệt.
“Dù đa số nông dân trồng mía đều có hợp đồng liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp nhưng còn mang tính đơn lẻ, nông dân vẫn “mía nhà ai, người đó lo” chưa phát huy được tinh thần tập thể trong sản xuất cây mía…”, ông Tiên cho hay.
Cùng với cây mía, nông dân trồng cây mì ở “chảo lửa” Quảng Sơn, huyện Ninh Sơn cũng nhiều lần đứng ngồi không yên vì được mùa mất giá.
Nông dân Nguyễn Đình Hoàn cho biết, tâm lý của nông dân địa phương là mùa trước cây nào mang lại kinh tế cao thì mùa tới sẽ tập trung nhân rộng. Do đó, cứ đến vụ thu hoạch, cung vượt quá cầu dẫn đến “được mùa mất giá”. Điệp khúc này cứ lặp lại do nhà nông thiếu định hướng rõ ràng trong chuyển đổi cây trồng.
Thành lập HTX sẽ nâng cao giá trị mía, mì
Cũng theo ông Hoàn, hiện nay nông dân cũng chưa thực sự làm chủ trong quá trình sản xuất nên hiệu quả kinh tế từ cây mía và cây mì chưa cao. Nông dân chưa phát huy vai trò giám sát trong quá trình cân đo để xác định chất lượng cây mía, mì khi bán cho doanh nghiệp.
“Điều nông dân mong muốn là thành lập Hợp tác xã (HTX) để định hướng cho nông dân, giúp nông dân có kế hoạch sản xuất rõ ràng qua mỗi vụ. Có HTX cũng sẽ góp phần giải quyết nhu cầu vay vốn để nông dân mạnh dạn mở rộng sản xuất. Từ đó từng bước thay đổi tư duy sản xuất của nông dân để nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây mía, mì ở địa phương…”, ông Hoàn cho hay.
Theo UBND xã Quảng Sơn, huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận), những năm qua cây mía và cây mì là 2 cây trồng chủ lực của nông dân địa phương, giúp người dân xóa đói giảm nghèo để vươn lên phát triển kinh tế.
Riêng cây mía, hằng năm nông dân có liên kết bằng hợp đồng với công ty mía đường Biên Hòa – Phan Rang để sản xuất mía. Tuy nhiên, việc liên kết nói trên cũng thực hiện đơn lẻ từng hộ chứ chưa mang tính tập thể.
Ông Dương Đăng Minh, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Sơn cho biết, xã Quảng Sơn nói riêng và huyện Ninh Sơn nói chung có diện tích trồng mía và mì lớn nhất tỉnh Ninh Thuận. Đây cũng là vùng nguyên liệu mía và mì chủ yếu của công ty mía đường Biên Hòa – Phan Rang và Công ty CP tinh bột sắn Ninh Thuận.
Theo ông Minh thì địa phương vẫn duy trì diện tích trồng mía, mì. Tuy nhiên đến nay trên trên địa bàn xã nói riêng và toàn huyện nói chung vẫn chưa có HTX nông nghiệp cho 2 loại cây này.
“Trong thời gian tới địa phương sẽ tiếp tục chuyển đổi cây trồng phù hợp, chú trọng các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Đồng thời cũng sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến Luật HTX để có cơ sở hướng dẫn bà con hiểu rõ vai trò của HTX. Đây là cầu nối để liên kết giữa hộ nông dân và doanh nghiệp, qua đó để nông dân tự nguyện tham gia thành lập HTX…”, ông Minh cho hay.
Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, từ đầu năm 2024 đến nay (13/9/2024) toàn tỉnh thành lập mới 7 HTX nông nghiệp, nâng tổng số HTX nông nghiệp trên địa bàn lên 128 HTX. Trong đó có 112 HTX nông nghiệp. Đa số các HTX đều khẳng định được vai trò và chất lượng hoạt động.
Ông Trương Khắc Trí, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, thực tế việc thành lập và đi vào hoạt động của HTX đã tạo điều kiện để nông dân nâng cao thu nhập nhờ sản xuất nông nghiệp.
Đơn cử như các HTX nông nghiệp Tuấn Tú chuyên về măng tây xanh ở xã An Hải (huyện Ninh Phước), HTX Thái An chuyên về cây nho ở xã vĩnh Hải, HTX hành tím ở xã Nhơn Hải (huyện Ninh Hải) và nhiều HTX nông – lâm – ngư nghiệp khác trên địa bàn tỉnh.
Cũng theo ông Trí, trong thời gian tới Ninh Thuận sẽ tiếp tục khuyến khích phát triển kinh tế tập thể. Trong đó chú trong phát triển kinh tế tập thể trong các ngành nghề, lĩnh vực có tiềm năng và thế mạnh của địa phương.
“Theo kế hoạch của tỉnh, đến cuối năm 2024 sẽ phấn đấu tăng số lượng HTX trên địa bàn lên 129, Trong đó có 113 HTX nông nghiệp. Qua đó, tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp nói riêng ngày càng phát triển…”, ông Trí cho hay.
Theo Công ty cổ phần mía đường Biên Hòa – Phan Rang, hiện nay đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm khoảng 950ha mía cho người dân ở xã Quảng Sơn. Hằng năm, sản lượng mía ở xã Quảng Sơn và Ninh Thuận nói chung đáp ứng khoảng 60% công suất sản xuất của công ty này.
Được biết, nông dân ký hợp đồng liên kết sẽ được công ty chi phí hỗ trợ cày xới, phân thuốc và ký giá thu mua mía nguyên liệu theo giá bảo hiểm cho người dân, nhưng đến khi thu hoạch thực tế thì theo giá thị trường.
Riêng đối với cây mì, Sở NNPTNT tỉnh Ninh Thuận đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1445/QĐ-UBND ngày 27/7/2021 về Kế hoạch phát triển ngành trồng trọt tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Trong đó định hướng phát triển cây mì của tỉnh đến năm 2025 là ổn định diện tích gieo trồng khoảng 5.120 ha, sản lượng đạt 111.300 tấn. Số này tập trung ở địa bàn 2 huyện Ninh Sơn (3.400ha) và Bác Ái (1.500 ha).
Bên cạnh đó, Ninh Thuận sẽ tập trung xây dựng vùng trồng mì nguyên liệu gắn với công nghiệp chế biến, tiêu thụ, tổ chức sản xuất theo hướng hộ sản xuất, trang trại, hợp tác xã liên kết theo hợp đồng nông sản với doanh nghiệp chế biến tinh bột mì.
Nguồn: https://danviet.vn/vi-sao-nong-dan-trong-mia-duong-o-ninh-thuan-lai-muon-vao-hop-tac-xa-nong-nghiep-20240915125347765.htm