Đó là khóa đào tạo trà nghệ sư đầu tiên tại Việt Nam của Học viện đào tạo Trà sư quốc tế MTG, do trà sư Ngô Thị Thanh Tâm sáng lập. Khóa học do các giảng viên khoa Văn hóa học từ Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) cùng đội ngũ chuyên gia từ Trường đào tạo Nghệ thuật trà Lục Vũ (Đài Loan) giảng dạy, thu hút sự quan tâm của những người yêu trà ở Việt Nam.
Là một người yêu trà và có nhiều năm tìm hiểu kiến thức về trà, khi biết trà sư Ngô Thị Thanh Tâm mở khóa học dạy làm trà nghệ sư, anh Phạm Đức Huy (42 tuổi, ngụ TP.HCM) quyết sắp xếp công việc, đăng ký tham gia.
Suốt 8 ngày, mỗi ngày học 8 tiếng để có thể trở thành một trà nghệ sư, anh Huy cho biết vô cùng ấn tượng với chất lượng giảng viên. Theo anh, những sư phụ từ trường trà Lục Vũ ở Đài Loan sang dạy là những người có trình độ cao, nghiêm túc trong việc đưa kiến thức tới học viên.
“Ở đây, tôi được học những kiến thức, kỹ năng về trà mà trước đó trong quá trình tự học ở sách báo, YouTube tôi đã bỏ lỡ. Khóa học đào tạo bài bản, khiến tôi nhận ra trước đó mình có những lỗ hổng về kiến thức, chẳng hạn như các bước pha trà”, anh Huy tâm sự và nói thêm, sau khóa học này, anh có thêm tình yêu với trà và nhận ra những kiến thức về trà là mênh mông, anh còn phải tự học thêm nhiều điều.
Bay từ Hà Nội vào TP.HCM để học
Tương tự anh Huy, anh Huy Bảo (30 tuổi) cũng là người có tình yêu đặc biệt với trà. Ngưỡng mộ và theo dõi trà sư Ngô Thị Thanh Tâm suốt nhiều năm nay, khi biết bà mở khóa học trà nghệ sư, anh đã tạm gác công việc, bay từ Hà Nội vào TP.HCM để học hỏi.
“Trước đó, mình dự định sẽ sang Đài Loan để học bài bản về trà. May mắn ở Việt Nam có học viện đầu tiên để đào tạo bài bản, chuyên nghiệp nên mình quyết định học. Sau khóa học, mình cảm thấy lựa chọn này là đúng đắn, bởi mình học thêm được nhiều kiến thức mới mà trước đó, mình đã bỏ lỡ”, anh chia sẻ.
Tự nhận mình là “trang giấy trắng” trong lĩnh vực này, tuy nhiên tình yêu và niềm đam mê dành cho trà đã thôi thúc chị Hoàng Lương (40 tuổi, ngụ TP.HCM) quyết định xin nghỉ phép 8 ngày tham gia khóa học làm trà nghệ sư.
“Mười mấy năm đi làm, chưa bao giờ mình xin nghỉ phép quá 3 ngày. Lần nghỉ phép này, đồng nghiệp cơ quan cũng không biết mình đi đâu”, chị Lương bày tỏ. Sau khóa học, chị nói rằng mình không chỉ có thêm kiến thức về trà mà còn có tình yêu với trà hơn.
Nữ học viên cho biết chị đến đây học không phải để trở thành một danh trà nổi tiếng, mà để có thể trở thành một người pha được ấm trà ngon đúng nghĩa cho bản thân mình cũng như những người thân. Đó là điều chị tâm đắc nhất.
Theo trà sư Ngô Thị Thanh Tâm, khóa học đầu tiên này có 15 học viên tham gia, dù số lượng đăng ký vượt ngoài dự tính. Bà chia sẻ con đường trở thành trà sư phải trải qua không ít khó khăn, qua nhiều lớp với độ khó khác nhau.
“Tuy nhiên, học viện sẽ hỗ trợ hết sức để giúp các bạn có thể trở thành những trà nghệ sư, các chuyên gia trong lĩnh vực trà, am hiểu về kỹ thuật pha trà và uống trà để khởi nghiệp, kinh doanh, làm việc trong lĩnh vực liên quan đến trà hoặc có thể tham gia vào đội ngũ giảng dạy của học viện sau này, giúp ngành trà Việt phát triển”, trà sư bày tỏ.
Trà nghệ sư là gì?
Trà nghệ sư là người am hiểu sâu sắc về nghệ thuật văn hóa trà, từ quy trình chọn lựa lá trà, kỹ thuật pha trà, đến việc thưởng thức và truyền tải tinh hoa văn hóa trà. Công việc của một trà nghệ sư không chỉ là tạo ra những tách trà thơm ngon, mà còn lan tỏa tinh tinh thần tĩnh lặng, sự kết nối giữa con người với văn hoá, lịch sử, thiên nhiên qua từng chén trà. Họ giữ vai trò như những người bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống, đồng thời chia sẻ tri thức và đam mê trà đến với cộng đồng.
Nguồn: https://thanhnien.vn/vi-sao-nhieu-nguoi-xin-nghi-phep-ru-nhau-hoc-lam-tra-nghe-su-o-tphcm-185241002134248352.htm