Nhật Bản đã quyết định mở kho dự trữ gạo chiến lược vào ngày 14-2. Đây là lần đầu tiên Nhật Bản phân phối gạo từ kho dự trữ quốc gia để hạ giá gạo tại các siêu thị và các nhà bán lẻ khác. Đằng sau sự can thiệp chưa từng có này là chính sách lưu trữ ba thập kỷ được thiết kế để ngăn chặn khủng hoảng lương thực.
Lưu trữ gạo để đối phó với khủng hoảng lương thực
Ngày 14-2, Bộ trưởng Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản Taku Eto cho biết, chính phủ nước này sẽ sử dụng 210.000 tấn gạo từ kho dự trữ nhằm đảm bảo việc phân phối mặt hàng chủ lực này một cách suôn sẻ trong bối cảnh giá cả tăng cao.
Theo Bộ trên, gạo sẽ được phân phối chủ yếu từ vụ thu hoạch hồi năm ngoái, trong khi một số lượng nhỏ được phân phối từ vụ thu hoạch năm 2023.
Chính phủ Nhật Bản cũng có kế hoạch bán gạo từ kho dự trữ cho các hợp tác xã nông nghiệp và các nhà bán buôn khác, với điều kiện chính phủ có thể mua lại cùng lượng gạo đó trong vòng một năm để tránh tình trạng sụt giá.
Tại một cửa hàng gạo ở Tokyo vào ngày 14-2. Ảnh: Le Figaro |
Đằng sau sự can thiệp chưa từng có này là chính sách lưu trữ ba thập kỷ được thiết kế để ngăn chặn khủng hoảng lương thực.
Chính sách lưu trữ này bắt đầu từ năm 1993, khi Nhật Bản trải qua một năm mất mùa nặng nề, buộc chính phủ phải nhập khẩu ồ ạt gạo nước ngoài. Những mặt hàng nhập khẩu này sau đó được xem như một cú sốc đối với người Nhật, những người luôn cam kết với chất lượng gạo nội địa.
Kể từ đó, Tokyo đã duy trì một kho dự trữ khoảng một triệu tấn, tương đương 10% mức tiêu thụ quốc gia. Cho đến nay, các kho dự trữ này chỉ được mở trong trường hợp thiên tai hoặc sản lượng nông nghiệp giảm mạnh. Nhưng đây là lần đầu tiên, các kho dự trữ gạo được huy động để đối phó với sự tăng giá.
Tiêu thụ gạo giảm nhưng giá vẫn tăng
Giá gạo tăng vọt hiện nay được giải thích bởi một số yếu tố. Đợt nắng nóng lịch sử vào mùa hè năm 2024 đã ảnh hưởng đến vụ thu hoạch lúa, làm giảm nguồn cung sẵn có.
Tình trạng này trở nên trầm trọng hơn do tiêu thụ gia tăng, và đặc biệt là do hiện tượng mua hàng hoảng loạn, sau những cảnh báo về siêu động đất hồi tháng 8-2024. Kết quả là giá gạo đã tăng 64,5% trong tháng 12-2024 so với cùng kỳ năm trước.
Theo một cuộc khảo sát của chính phủ, một túi 5kg gạo được bán với giá 2.023 yên (khoảng 337.000 đồng) một năm trước đó, thì nay đã lên tới 3.688 yên (615.000 đồng).
Đã có lúc, khách du lịch đến Nhật Bản bị cáo buộc chịu trách nhiệm cho sự gia tăng này. Nhưng trên thực tế, mức tiêu thụ của họ chỉ chiếm 0,5% tổng mức tiêu thụ. Một trong những yếu tố đáng lo ngại nhất của cuộc khủng hoảng gạo vẫn là vai trò của các nhà phân phối. Bộ Nông nghiệp nước này nghi ngờ các nhà bán buôn và nông dân đang tích trữ gạo để đề phòng giá cả tiếp tục leo thang.
Để kích thích nhu cầu, trấn an thị trường và không cho phép giá giảm mạnh, chính phủ đã chỉ ra rằng họ sẽ mua lại 210.000 tấn gạo để bù đắp cho số lượng được bán ra.
Nhưng quyết định này đánh dấu một bước ngoặt. Nhật Bản, nơi tiêu thụ gần 100% lượng gạo mà họ sản xuất, từ lâu đã ưu tiên việc bảo vệ người sản xuất của mình. Kể từ những năm 1970, các chính phủ kế tiếp đã trợ cấp cho việc đóng cửa một số cánh đồng lúa nhất định, để duy trì giá cao cho nông dân. Ví dụ, 40% ruộng lúa đã biến mất trong những năm gần đây, các nhà sản xuất được hỗ trợ tài chính để ngừng sản xuất.
Trớ trêu thay, cuộc khủng hoảng này nổ ra trong bối cảnh tiêu thụ gạo đã giảm trong nhiều thập kỷ. Trong khi một người Nhật tiêu thụ trung bình 118 kg gạo mỗi năm vào năm 1962, con số này đã giảm xuống còn 51kg vào năm 2022. Tuy nhiên, gạo vẫn là trung tâm của văn hóa và nền kinh tế Nhật Bản. Sản lượng gạo vẫn được bảo vệ bởi các rào cản nhập khẩu, duy trì giá trong nước cao hơn nhiều so với gạo Thái Lan hoặc Việt Nam.
Quyết định mở các kho dự trữ gạo chiến lược ngày 14-2 vừa qua đặt ra một câu hỏi: Liệu Nhật Bản có nên sửa đổi chính sách nông nghiệp của mình không? Một số chuyên gia cho rằng, chính phủ Nhật Bản cần kiểm soát giá thấp hơn để ủng hộ an ninh lương thực.
NGỌC MINH (theo La Tribune)
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.
Nguồn: https://baodaknong.vn/vi-sao-nhat-ban-co-luong-gao-du-tru-khong-lo-242968.html
Bình luận (0)