Nhật Bản là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề do cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc, dù nền kinh tế của Tokyo và Bắc Kinh dường như đang phân tách nhưng trên thực tế đôi bên chỉ đang trải qua một giai đoạn thay đổi về cơ cấu.
Tính đến năm 2023, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản và Tokyo là đối tác thương mại lớn thứ hai của Bắc Kinh sau Mỹ. (Nguồn: China Daily) |
Sáng kiến của Nhật Bản, chứ không phải cạnh tranh Mỹ-Trung, đang thúc đẩy những thay đổi cơ cấu trong chính sách an ninh kinh tế của Tokyo.
Việc Trung Quốc đột ngột hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản vào năm 2010 trong bối cảnh tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là lời cảnh tỉnh với Nhật Bản và từ đó, Tokyo đã nỗ lực giảm sự phụ thuộc quá mức vào Bắc Kinh.
Nhật Bản đã có hẳn một lộ trình nhằm tháo gỡ tình trạng trên. Năm 2020, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp đưa ra các biện pháp giúp các công ty Nhật Bản chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Đông Nam Á hoặc trong nước.
Tokyo còn ban hành Luật An ninh kinh tế sâu rộng vào tháng 5/2022, cung cấp cơ sở pháp lý cho các chính sách an ninh kinh tế. Theo luật này, Tokyo sẽ điều chỉnh chính sách với Washington và Amsterdam bằng việc thắt chặt hạn chế xuất khẩu với các công nghệ liên quan đến chất bán dẫn và điện toán lượng tử.
Cùng năm, Trung Quốc chiếm khoảng 20% tỷ trọng nhập khẩu và xuất khẩu của Nhật Bản, cho thấy xu hướng giảm do mặt hàng xuất khẩu chính của Nhật Bản sang Trung Quốc là các sản phẩm liên quan đến ngành công nghiệp bán dẫn.
Một số động thái gần đây cũng cho thấy sự tách rời về kinh tế Nhật Bản và Trung Quốc. Sau khi Mitsubishi Motors rút khỏi Trung Quốc, Honda liền có kế hoạch giảm lực lượng lao động sản xuất tại đất nước tỉ dân. Ngoài ra, việc chỉ có 60-70% công ty Nhật Bản có lãi ở Trung Quốc đã khiến 30-40% công ty của Tokyo rút dần khỏi thị trường của Bắc Kinh.
Song những xu hướng này không phản ánh sự tách rời giữa hai nền kinh tế, mà thực chất chỉ là sự thay đổi cơ cấu mạnh mẽ mà nền kinh tế Nhật Bản và Trung Quốc đang trải qua.
Châu Á-Thái Bình Dương vẫn đang hướng tới hội nhập kinh tế khu vực, bất chấp hiện tượng phản toàn cầu hóa đang nổi lên tại nhiều nơi. Điển hình là việc Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực lần lượt có hiệu lực năm 2018 và 2022.
Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đã nhất trí nối lại đàm phán về hiệp định thương mại tự do ba bên tại Hội nghị thượng đỉnh vào tháng 5/2024. Đây là tín hiệu cho thấy lãnh đạo ba nước tiếp tục coi trọng và đẩy mạnh quan hệ kinh tế khu vực.
Mục tiêu sáng kiến an ninh kinh tế của Nhật Bản là xây dựng “sân nhỏ, hàng rào cao”. Trong số 87 công ty nhận trợ cấp của Chính phủ tháng 6/2020, hầu hết đều sản xuất các vật liệu chiến lược như phụ tùng máy bay và thiết bị y tế. Như vậy, các dự án của JETRO chỉ dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Quan trọng nhất, các công ty Nhật Bản đang điều chỉnh cách kinh doanh và hầu hết đều không tách rời Trung Quốc.
Đối mặt thách thức như chi phí lao động tăng và quan hệ chính trị căng thẳng giữa hai nước, các công ty Nhật Bản bắt đầu áp dụng chiến lược “Trung Quốc cộng một” vào đầu những năm 2010. Đây là chiến lược khuyến khích các công ty đa dạng hóa chuỗi cung ứng và hoạt động sản xuất ngoài Trung Quốc để giảm thiểu rủi ro, điển hình như chuyển hoạt động kinh doanh sang các nước ASEAN.
Bên cạnh đó, nhằm đối phó gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19 gây ra, nhiều công ty Nhật Bản đã áp dụng chiến lược “Trung Quốc vì Trung Quốc”. Nghĩa là thay vì sản xuất hàng hóa và bán sang nơi khác, các doanh nghiệp phát triển sâu hơn vào thị trường nội địa đang lớn mạnh của Trung Quốc.
Giống nhiều công ty toàn cầu đang làm ăn với Trung Quốc, các công ty Nhật Bản đã trải qua một sự thay đổi đáng kể trong cách xây dựng chiến lược kinh doanh kể từ sau cuộc xung đột Ukraine. Họ ưu tiên cân nhắc địa chính trị hơn so với các dự báo kinh tế vĩ mô.
Sự thay đổi trong tư duy của các công ty Nhật Bản cũng góp phần củng cố chiến lược “Trung Quốc vì Trung Quốc” mà họ đang áp dụng.
Công nghệ mới đã tạo ra mô hình kinh doanh mới cho thương mại giữa hai nước – thương mại điện tử. Chỉ riêng năm 2022, người tiêu dùng Trung Quốc đã mua sản phẩm Nhật Bản thông qua sàn thương mại điện tử trị giá lên tới 14,4 tỷ USD.
Sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế trong quan hệ Nhật Bản-Trung Quốc có thể không dễ dàng bị phá vỡ. Tính đến năm 2023, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản và Tokyo là đối tác thương mại lớn thứ hai của Bắc Kinh sau Mỹ.
Nguồn: https://baoquocte.vn/vi-sao-nhat-ban-chua-the-tach-roi-kinh-te-voi-trung-quoc-276584.html