Việt Nam đang trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng, với lực lượng lao động trẻ dồi dào, song ngành logistics và cảng biển lại rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ngành logistics và cảng biển rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao dù Việt Nam đang trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng. (Nguồn: Báo Hải quan) |
Ngày 4/7, chia sẻ tại Hội thảo “Nâng cao năng lực hệ thống logistics và cảng biển TP. Hồ Chí Minh hướng đến thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và liên kết vùng”, các chuyên gia trong ngành cho rằng, TP. Hồ Chí Minh được kỳ vọng là một trong những trung tâm kinh tế, du lịch, tài chính – thương mại và dịch vụ logistics của khu vực Đông Nam Á và châu Á – Thái Bình Dương.
Bởi nơi đây có phần đất liền khoảng 2.095 km2 và khu vực biển thuộc huyện Cần Giờ (chiếm 0,6% diện tích Việt Nam). Dân số khoảng 10,2 triệu (ngoài ra còn có khoảng 2 triệu dân cư vãng lai); có vị trí địa lý thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (tổng diện tích 30.404 km2) và tiếp giáp các tỉnh bao gồm: Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và Tiền Giang.
Tuy nhiên, vẫn còn một số thách thức liên quan đến vấn đề nguồn nhân lực như tình trạng “chảy máu chất xám”; chính sách đãi ngộ, tiền lương chưa thỏa đáng; môi trường làm việc không thuận lợi cho lao động tri thức, hạn chế nghiên cứu.. kết quả là nguồn lao động chuyển dịch sang các doanh nghiệp có vốn nước ngoài.
Theo các chuyên gia, nguồn nhân lực của Việt Nam đang trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng, với lực lượng lao động trẻ dồi dào, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động khá cao so với các nước trong khu vực. Song, thách thức hiện nay là thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao.
Việc thu hút nhân sự chất lượng cao cũng gặp không ít khó khăn, nguyên do vì 95% doanh nghiệp logistics là doanh nghiệp nội, quy mô nhỏ. Cộng thêm khó khăn về điều kiện làm việc và yêu cầu năng lực đáp ứng công việc.
Chia sẻ về quá trình phát triển nguồn nhân lực của doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Nhã, Tổng giám đốc Công ty TNHH Phát triển nguồn nhân lực Tân Cảng – STC cho biết, tại Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn hiện có khoảng 8.000 nhân sự, chủ yếu đến từ công ty mẹ (2.300 người) và 31 công ty thành viên.
Công ty luôn chủ động huấn luyện đào tạo và phát triển từ nội bộ. Nhân sự được phân ra nhiều nhóm như nhóm nhân sự sẽ gồm: IT, kinh doanh logistics, thủ tục hải quan, kỹ thuật chuyên sâu, chuyên gia về kho hàng – trung tâm phân phối, … Nhóm kỹ năng sẽ có ngoại ngữ, kỹ năng giải quyết vấn đề… Nhìn chung, lực lượng nhân sự đa dạng, nhiều ngành nghề, có chuyên môn, kinh nghiệm, đặc biệt trong lĩnh vực khai thác cảng.
“Nhận thấy được tầm quan trọng của việc xây dựng nguồn nhân lực chuyên nghiệp và có khả năng đáp ứng như cầu của nhà tuyển dụng, Tân Cảng-STC đã kết hợp cùng các trường đại học, cao đẳng tổ chức các khóa học ngắn hạn nằm trong chương trình học tại trường nhằm giúp sinh viên có cơ hội tiếp xúc với thực tế”, ông Nhã nói và cho biết thêm, Tân Cảng-STC sẽ đẩy mạnh các hoạt động tổ chức khóa học dài hạn tại nước ngoài cho các trường và doanh nghiệp có nhu cầu.
Từ những bài học và kinh nghiệm phát triển nguồn nhân lực, đại diện Tân Cảng-STC cho hay, để ổn định và duy trì nguồn nhân lực hiện có, các doanh nghiệp cần hoàn thiện các quy chế, chính sách, đảm bảo phúc lợi, công bằng cho người lao động. Tạo tính cạnh tranh trong việc, thu hút nguồn lực bên ngoài và giữ chân nguồn lực bên trong… Đặc biệt, cải thiện môi trường làm việc, sắp xếp và ổn định nhân sự.
Để phát triển nguồn nhân lực, các doanh nghiệp cần khuyến khích sự đổi mới sáng tạo trong từng người lao động. Tạo điều kiện để người lao động phát huy tối đa năng lực của bản thân. Đồng thời, đưa ra chính sách, phúc lợi thu hút nguồn lực từ bên ngoài về làm việc. Phối hợp với các trường đại học, trung tâm đào tạo xây dựng các chương trình thực tập, tuyển dụng, tìm kiếm ứng viên tiềm năng.
“Để đối mặt với sự biến động nhân sự trong giai đoạn mới, cần duy trì sự gắn kết của người lao động nhưng đồng thời sẵn sàng các phương án thay thế, bổ sung nhân sự khi cần thiết. Ưu tiên đầu tư, phát triển khung nhân sự nòng cốt tinh, gọn”, ông Nhã nói.
Bên cạnh sự nỗ lực của các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước và các hiệp hội, cơ sở giáo dục cũng cần phải vào cuộc. Cụ thể, cơ quan quản lý nhà nước cần đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực các dịch vụ logistics.
Đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển đa dạng dịch vụ… Phát triển chiến lược nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, đẩy mạnh mô hình liên kết giáo dục. Phối hợp nghiên cứu, thực hiện đề án nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam, ban hành bộ tiêu chuẩn nghề và khung trình độ quốc gia đào tạo nghề về logistics.
Tạo mối kết hợp chặt chẽ giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong việc xây dựng chương trình đào tạo. Nâng cao chất lượng giảng viên, cập nhật xu hướng mới trong ngành gắn với thực hành. Phát huy hơn nữa vai trò của các hiệp hội, là cầu nối trong cộng đồng. Tổ chức các lớp kỹ năng cho lao động ngành logistics, tinh thần học tập…