Ông Lores cho rằng điều này là để bảo vệ tài sản trí tuệ (IP) của công ty khi nói rằng “Chúng tôi xây dựng rất nhiều IP vào mực của máy in, vào chính máy in… Và những gì chúng tôi làm là khi xác định các hộp mực vi phạm IP của công ty, chúng tôi sẽ ngăn máy in hoạt động”. Điều này có nghĩa HP có thể ngăn chặn việc sử dụng các hộp mực rẻ hơn, bao gồm triển khai các bản cập nhật firmware ngăn máy in hoạt động.
HP đã ra mắt chức năng Dynamic Security vào năm 2016 để bảo vệ IP của công ty nhằm cải thiện tình hình tài chính cho công ty. Enrique Lores không đưa ra con số nhưng ông khẳng định HP đang thua lỗ từ việc bán máy in. Công ty kiếm được tiền từ việc bán các vật tư tiêu hao, bao gồm hộp mực, tuy nhiên mức giá đưa ra cao hơn khiến việc người tiêu dùng phải tìm đến các giải pháp mực in thay thế.
Trong tuyên bố của mình, ông Lores còn đưa ra thông tin bất ngờ để biện minh cho việc chặn hộp mực của bên thứ ba: “Chúng tôi thấy rằng kẻ gian có thể tích hợp virus vào hộp mực. Thông qua hộp mực, virus xâm nhập vào máy in, sau đó xâm nhập vào mạng”. Ông cho biết điều này dựa vào một nghiên cứu (do HP thực hiện) cho thấy sau quá trình tìm kiếm lỗi để xác định xem hộp mực có thể là mối đe dọa mạng hay không và đặc biệt hơn là chip có thể lập trình lại được tích hợp vào hộp mực. Nó được sử dụng để liên lạc với máy in và có thể đóng vai trò là vật trung gian tấn công.
Về lý thuyết, tất cả những điều này là có thể, tuy nhiên trên thực tế chưa có hoạt động khai thác lỗ hổng như vậy được xác định. Nhiều khả năng điều đó bắt nguồn từ việc tin tặc phải có nguồn lực khá lớn để khai thác lỗ hổng đó. Đối với HP, họ xem đó là mối đe dọa tiềm tàng, vì vậy công ty muốn ngăn chặn vấn đề trước khi để lỗ hổng được khai thác.