Lương 400 triệu vẫn không có ứng viên nộp hồ sơ
Theo đó, Công ty IC Ictas Insaat Sanayi Ve Ticaret Anonim Sirketi (Thổ Nhĩ Kỳ, nhà thầu chính gói thầu 5.10 xây dựng nhà ga sân bay Long Thành), cần tuyển 33 chuyên gia cho 31 vị trí như giám đốc dự án, phó giám đốc dự án, giám đốc thiết kế, đại diện nhà thầu, quản lý dự án, quản lý xây dựng, trưởng phòng hệ thống kỹ thuật xây dựng, quản lý thiết bị…
Mức lương thấp nhất mà công ty này đưa ra là 75 triệu đồng/tháng cho vị trí trợ lý dự án và cao nhất là 400 triệu đồng/tháng cho các vị trí trưởng phòng dự án, đại diện nhà thầu, giám đốc dự án. Đối với các vị trí phó giám đốc dự án, quản lý dự án, mức lương trung bình là 385 triệu đồng/tháng.
Yêu cầu đối ứng viên là phải có bằng ĐH, thông thạo tiếng Anh và có ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm việc ở các vị trí tương ứng. Nếu trúng tuyển, các chuyên gia sẽ làm việc từ cuối năm 2023 đến tháng 12.2025.
Tuy nhiên, sau nhiều ngày Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đồng Nai chuyển cho Trung tâm giới thiệu việc làm Đồng Nai đăng tải thông tin tuyển dụng, vẫn không có hồ sơ nào từ chuyên gia người Việt ứng tuyển. Chính vì vậy Sở LĐ-TB-XH Đồng Nai đã có văn bản thông báo cho Công ty IC Ictas Insaat Sanayi Ve Ticaret Anonim Sirketi được phép tuyển lao động người nước ngoài cho các vị trí công việc trên.
Phải có chiến lược tuyển dụng, đặt hàng đào tạo
Nhận định về vấn đề không có chuyên gia người Việt nào nộp hồ sơ ứng tuyển vào các vị trí cấp trung và cấp cao mà nhà thầu thuộc dự án sân bay Long Thành cần tuyển, ông Đỗ Thanh Vân, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, cho biết: “Hiện nay nhân sự thuộc lĩnh vực ngành nghề phục vụ cho các dự án sân bay ở Việt Nam chưa nhiều, trong đó các vị trí đặc biệt đòi hỏi tiêu chuẩn rất cao, cần những người vừa giỏi chuyên môn, vừa có nhiều kinh nghiệm và khả năng năng quản lý”.
Theo ông Vân, người có năng lực đảm nhận các vị trí nhân sự cấp cao luôn hiếm, chính vì thế các doanh nghiệp, dự án lớn muốn tuyển dụng phải có chiến lược và chủ động ngay từ đầu chứ không thể bị động bằng cách đăng tuyển và đợi ứng viên nộp hồ sơ.
“Muốn có nhân lực đáp ứng yêu cầu thì các đơn vị này phải đặt hàng cho các trường ĐH đào tạo ngay từ đầu, sau đó doanh nghiệp phải đào tạo thêm những kỹ năng, chuyên môn mà doanh nghiệp cần. Đặc biệt những người đảm nhiệm vị trí giám đốc dự án, giám đốc thiết kế… thì doanh nghiệp phải biết được họ đang ở đâu để ‘săn’ chứ không phải là chờ đợi họ tìm đến mình. Tìm thấy họ rồi còn phải có chính sách thu hút, không chỉ về mức lương mà còn môi trường làm việc…”, ông Đỗ Thanh Vân chia sẻ.
Ông Lê Hồng Phúc, Phó chủ tịch Hội Các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam (VACD), Chủ tịch Câu lạc bộ Nhân sự Việt Nam (VNHR), cũng cho rằng nhà thầu chưa thu hút được các chuyên gia giỏi về làm việc với mức lương hàng trăm triệu có thể là do chưa có chiến lược tuyển dụng phù hợp.
“Bộ phận tuyển dụng của doanh nghiệp đã chủ động đi săn lùng ứng viên hay chưa, có chủ động tìm cách tiếp cận và mời gọi họ hay vẫn chỉ dùng cách đăng tuyển rồi chờ ứng viên nộp hồ sơ? Những người giỏi có thể đảm nhận các vị trí mà nhà thầu cần thường đang có việc và họ ít chủ động đi tìm việc, thường là nhân sự đang làm việc ở các vị trí cấp trung, cao của doanh nghiệp. Vì thế, muốn có được họ thì cần phải biết họ đang ở đâu để tìm cách tiếp cận, mời gọi, chiêu mộ họ”, ông Phúc cho hay.
Theo ông Phúc, Việt Nam không thiếu những chuyên gia giỏi, không kém người nước ngoài. Những người này thường đã được doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước chiêu mộ.
“Để có người cho các vị trí nhân sự cấp trung và cao, ngoài cách tự đào tạo từ chính nhân sự của công ty mình thì các doanh nghiệp phải đi tìm kiếm và thu hút người giỏi đang làm việc ở nơi khác, đưa ra chính sách thu hút để mời gọi họ về. Chính sách thu hút gồm cơ hội phát triển bản thân, thu nhập tương xứng, môi trường làm việc tốt, chế độ đãi ngộ, cơ hội phát triển nghề nghiệp lâu dài cùng với doanh nghiệp…”, ông Phúc nhìn nhận.