Căng thẳng kéo dài gây tổn hại cho cơ thể vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến những yếu tố nền tảng của sức khỏe như giấc ngủ, dinh dưỡng hay hoạt động thể chất, theo chuyên trang Fierce Healthcare.
Cụ thể, các nghiên cứu đã chỉ ra những người bị căng thẳng ở mức độ nặng thường khó ngủ, ăn uống kém lành mạnh và có xu hướng ít hoạt động thể chất hơn.
Bên cạnh đó, một số chất được cơ thể tạo ra khi phản ứng với căng thẳng có thể tiếp tục tích tụ ngày qua ngày khi tình trạng này xuất hiện quá thường xuyên. Chính những chất này sẽ làm cản trở các chức năng khác quan trọng của cơ thể, bao gồm cả việc làm suy yếu hệ miễn dịch, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của hệ tiêu hóa, bài tiết và sinh sản.
Căng thẳng liên tục cũng thường kéo theo nhiều vấn đề sức khỏe như khó tiêu, nhức đầu, đau nhức cơ thể, trầm cảm và dễ cáu kỉnh. Nếu không sớm được kiểm soát, nó có thể phát triển thành nhiều bệnh lý nguy hiểm khác, bao gồm bệnh tim, huyết áp cao, bệnh tiểu đường, một số loại ung thư, bệnh phổi, xơ gan…
Bên cạnh đó, nguy cơ tử vong sớm của một người bị căng thẳng cao độ trong thời gian dài cũng có thể tăng đến 43% so với người bình thường.
Để giảm bớt tác hại về lâu dài, mọi người nên sớm có chiến lược để đối phó tình trạng căng thẳng. Điều này cũng sẽ kéo theo những tác động tích cực đến với sức khỏe thể chất và tinh thần của chúng ta, chẳng hạn như giúp hệ miễn dịch được cải thiện, ngủ ngon hơn, cân nặng được kiểm soát và giảm được chi phí chăm sóc sức khỏe liên quan.
Các chiến lược đối phó căng thẳng đã được chứng minh bao gồm thiền, yoga, đi bộ, chạy bộ, tập các bài hít thở sâu hoặc vẽ tranh. Bạn cũng nên sắp xếp thời gian để bản thân được nghỉ ngơi đầy đủ, quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe tổng thể và chất lượng giấc ngủ cũng sẽ có ích về lâu dài.