Ngoài việc đem trả dứt nợ ngân hàng và người thân cho khoản vay hồi mua chung cư, số tiền dư còn lại anh chủ động nhường hết cho người vợ vừa ly hôn, dù anh vẫn có quyền đòi chia phần, do đó là tiền bán căn nhà được hình thành trong thời kỳ hôn nhân.
Không muốn tranh giành với người từng là bạn đời
Trong đời sống không khó thấy một số người, cả nam lẫn nữ, như anh Nguyên, chọn ly hôn và ra đi tay trắng, dù trong hôn nhân có của cải chung như nhà cửa, tiền tiết kiệm, thậm chí mất cả tài sản tích lũy riêng.
Anh Thành Nguyên (đã đổi tên, ở quận Phú Nhuận, TP.HCM) cho hay hồi mới cưới vào năm 2016, vợ chồng anh có mua một căn chung cư ở quận Bình Tân vào năm 2016, giá 1,3 tỉ đồng. Tổ ấm được dựng lên bằng số tiền tích cóp ít ỏi từ đồng lương cả hai, cộng với vay mượn người thân và ngân hàng với số tiền chiếm hơn một nửa giá trị căn hộ.
Có nơi an cư, nhưng gánh nặng tài chính đè lên vai đôi vợ chồng trẻ khi số tiền phải trả hằng tháng gần 15 triệu đồng cả gốc lẫn lãi, phải vay đầu này đắp đầu nọ dù tiết kiệm hết mức.
Sức ép tiền bạc, cộng thêm một số mâu thuẫn từ việc không có tiếng nói chung, tháng 5-2021, họ chính thức ly hôn. Đồng thời bán luôn căn chung cư “vừa ở vừa góp” ở được 5 năm, cũng là tài sản chung duy nhất.
Chung cư bán được 1,7 tỉ qua môi giới, cả hai sau đó đem trả dứt nợ ngân hàng và người thân cho vay hồi mua nhà, cùng với các khoản nợ vay để có vốn làm ăn, xoay xở lúc khó khăn. Còn dư một khoản, anh Nguyên đưa hết cho vợ cũ, chấp nhận ra đi tay trắng và không có con chung.
“Tôi đưa hết để cô ấy có vốn làm ăn nhỏ sau khi ly hôn. Mình là đàn ông, cũng không so đo đòi chia đôi tiền làm gì với người từng là vợ mình. Lúc đó, tôi còn lương đi làm hằng tháng, cũng đủ sống”, người đàn ông hiện 36 tuổi, đang làm việc tại một cơ quan nhà nước, tâm sự về cái kết của cuộc hôn nhân kéo dài 5 năm.
Chẳng buồn tính toán giữ lại một đồng khi ly hôn
Tương tự, dù không có căn nhà là tài sản chung như anh Nguyên, chị Đỗ Thư cũng lựa chọn tay trắng sau ly hôn, đưa hết cho chồng cũ khoản tiền tiết kiệm chung của hai người.
Chị cho biết lúc lấy nhau, chồng đưa tiền lương cho em gái của anh giữ vì nghĩ vợ tiêu xài hoang phí, dù chị chưa hề tiêu tiền của anh, khi hẹn hò thì thay nhau trả. Về sau, mỗi tháng anh đưa chị 1/3 tiền lương của anh, và giảm dần con số theo các tháng.
“Tôi cũng không buồn hỏi. Tôi lấy tiền đó trả tiền thuê nhà và gửi tiết kiệm chung. Còn chi phí sinh hoạt của hai vợ chồng và quà cáp lễ, Tết cho bố mẹ hai bên thì dùng lương của tôi”, chị Thư nói.
Chua chát hơn, có lần chồng ở ngoài đường hỏi vợ rằng nhà có thức ăn chưa, chị Thư bảo có rồi nhưng anh thích ăn gì cứ mua thêm thì chồng nhắn lại: “Ngu gì mất thêm tiền, mỗi tháng đã đưa cô một khoản rồi”.
“Sau này khi ly hôn, tôi chuyển lại cho anh ấy toàn bộ số tiền tiết kiệm chung của cả hai, không buồn giữ lại một đồng. Còn tiền sinh hoạt chung với nhau bao năm coi như tôi nuôi”, chị chia sẻ.
Từ câu chuyện tay trắng sau ly hôn của mình, chị Thư nhận định: “Khi kết hôn, vợ chồng có thể lập quỹ chung và quỹ riêng, tùy thỏa thuận mỗi gia đình. Nhưng những tài sản có giá trị lớn như nhà cửa nếu được mua sau khi kết hôn thì phải là của chung. Điều này có thể nói ngay từ đầu”.
Việc bàn bạc, thậm chí phân chia tài sản chung – riêng trước khi bước vào hôn nhân cũng là cách đề phòng rủi ro và cam kết trách nhiệm thực hiện của cả hai bên.
Lo sợ khi đưa hết tiền riêng cho chồng
Không phải ly hôn, nhưng cũng nơm nớp lo lắng khi góp hết vốn riêng cho chồng làm ăn, góp vào công ty chồng, chị Thu Hiền (ở TP.HCM) tự nhận mình “sao mà ngu quá”.
Trước đây, chị Hiền là người nắm tài khoản công ty, tiền chuyển ra chuyển vào thế nào chị đều tự ra ngân hàng làm hết. Sau khi sinh con thứ hai, thấy không đủ thời gian và sức lực quán xuyến, chồng lại ngọt nhạt bảo để anh giữ tài khoản, chị nghe theo.
Nhưng khi con lớn hơn chút, chị bảo mình dần tỉnh ra, trăn trở xem làm thế nào để lấy lại quyền quản lý tài khoản đó. Nếu chồng cố tình không đưa lại, chị có nguy cơ mất quyền quản lý tài chính và có thể gặp rủi ro khi mất hết tiền tiết kiệm riêng.
Theo bạn, vợ chồng lập quỹ chung và có quỹ riêng để phòng thân như thế nào cho hợp lý? Bạn có lời khuyên gì cho những người góp hết tiền riêng cho nửa kia lập nghiệp? Mời bạn chia sẻ câu chuyện, bài học về địa chỉ email [email protected]. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.