Tăng hơn 32% so ngày thường
Tết cổ truyền Thái Lan diễn ra từ 13 – 15.4 nhưng từ trước đó một tuần, nhiều nhóm khách Việt, chủ yếu các bạn trẻ chọn hành trình du lịch tự túc qua Thái. Nhóm anh Vinh, nhà ở quận 3, đi Thái từ 14 – 16.4. “Các ngày này rơi vào dịp cuối tuần nên chúng tôi chỉ cần xin nghỉ làm thứ sáu là đi thoải . Trừ 3 năm dịch vừa qua không đi Songkran, còn trước đó, chúng tôi đi liên tục nhiều năm vì tết Thái rất vui, nhiều lễ hội cuồng nhiệt, sôi động. Người Thái ăn tết khác chúng ta. Tết của họ là dịp du khách khắp thế giới đổ về vui chơi hết mình, không đóng cửa tiệm hay hàng quán gì cả”, anh Vinh chia sẻ.
Trong dịp tết té nước, Thái Lan tổ chức hàng loạt lễ hội như đại nhạc hội Waterbomb Bangkok, hay còn gọi là cuộc chiến nước, thu hút đông đúc giới trẻ tham gia; lễ hội âm nhạc Siam Songkran kéo dài 4 ngày, chỉ dành cho người trên 20 tuổi; lễ hội ẩm thực ngoài trời Surawongse… Chưa kể, những khu vui chơi, giải trí nổi tiếng ở Thái Lan cũng tổ chức dày đặc các chương trình, show diễn vào dịp tết cổ truyền.
Theo anh Vinh, nhóm tự túc đi chơi. Tất cả đều tự mua vé máy bay, đặt phòng khách sạn, ăn uống… Chi phí vì thế gấp đôi giá tour trọn gói thông thường của các công ty du lịch nhưng bù lại, thoải mái giờ giấc.
Dịp Songkran, các công ty du lịch tại TP.HCM cũng rao bán tour tết Thái từ rất sớm, giá trọn gói khá rẻ và không khác so với ngày thường. Bến Thành Tourist bán tour Bangkok – Pattaya 5 ngày 4 đêm giá 6,99 triệu đồng, bay hãng Nok Air, đáp ở sân bay Don Mueang; còn bay Vietnam Airlines đáp ở Suvarnabhumi, khởi hành vào 11.4. Saigontourist cũng giới thiệu các tour tham quan Thái Lan kết hợp trải nghiệm lễ hội té nước Songkran 5 ngày 4 đêm, khởi hành 13.4, giá 7,99 triệu đồng…
Theo các hãng lữ hành trong nước, lượng khách mua tour tết Thái tính từ 8.4 đến 16.4 tăng cao so với tuần bình thường trước đó. Bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Giám đốc Ban Tiếp thị, Công ty Du lịch Vietravel cho biết, có gần 700 khách đăng ký tour và combo du lịch Thái Lan (vé máy bay, khách sạn) vào dịp lễ hội té nước Songkran, tăng khoảng 32% so ngày thường. Các tour Thái dịp tết của Vietravel có giá đa dạng từ 5,49 đến 7,99 triệu, 10,99 triệu và 13,49 triệu đồng/người.
Cẩn thận bị tạt nước bẩn
Songkran xuất phát từ tiếng Phạn “sankranti”, tạm dịch là “sự chuyển đổi của vũ trụ”, được tổ chức từ ngày 13 – 15.4 hằng năm, đánh dấu năm mới của Thái Lan. Đây cũng là thời điểm tỏ lòng tôn kính với tổ tiên. Té nước tượng trưng cho việc gột rửa tội lỗi và xui xẻo, cũng là chủ đề xuyên suốt lễ hội. Ngày cuối cùng được gọi là Wan Payawan, hay Ngày tắm Phật.
Nhiều người gọi tết Thái là cuộc chiến nước, sự kiện diễn ra trên toàn quốc, nhưng bầu không khí đặc biệt sôi động ở Bangkok, nơi vào năm 2011, Kỷ lục Guinness Thế giới về bắn súng nước lớn nhất thế giới đã bị phá vỡ (3.477 người bắn nước vào nhau trong 10 phút).
Tết Thái từ nhiều năm qua là cơ hội để Thái Lan thu hút du khách quốc tế, quảng bá điểm đến và thúc đẩy chi tiêu của du khách trong nước. Trước đại dịch, năm 2019, có hơn 522.000 khách quốc tế đến Thái Lan chỉ trong tuần lễ Songkran, đem lại doanh thu hơn 8 tỉ baht. Còn năm 2018, có khoảng 500.000 khách nước ngoài đến Thái ăn tết, theo báo The Nation.
Tuy nhiên, quá đông du khách cũng gây ra những bất ổn trong dịp tết Thái. Đặc biệt, việc uống quá nhiều rượu bia từ lâu trở thành thách thức lớn nhất mà cảnh sát nước này phải đối mặt trong kỳ nghỉ tết.
Năm ngoái, 278 người chết và 1.869 người bị thương trong các vụ va chạm giao thông trong khoảng thời gian từ 11 đến 16.4. Lái xe trong tình trạng say rượu góp phần gây ra hơn 60% số thương vong được báo cáo, với phần lớn các vụ va chạm là xe máy và xe bán tải, theo SCMP.
Đối với nhiều người Thái, đặc biệt là những thế hệ lớn tuổi, ý nghĩa ban đầu của Songkran đã không còn nữa vì lễ hội đã trở nên thương mại hóa và quá khích.
Mỗi năm, các khẩu súng nước ngày càng lớn hơn và các vòi cứu hỏa xịt nước vào du khách ngày càng nguy hiểm hơn khiến những người đi xe máy lo sợ và tai nạn luôn chực chờ vì lực bắn quá mạnh.
Bên cạnh đó, một số cảnh báo rằng nước dùng trong lễ hội có khả năng bị ô nhiễm. Chẳng hạn, nước hào màu nâu ở Chiang Mai có chất lượng đáng ngờ nhưng được sử dụng để tạt nhau, vì vậy du khách hãy bảo vệ đôi mắt của mình bằng kính bơi và tránh uống nước.
Ngoài ra, sự thay đổi nhiệt độ cơ thể thường xuyên do vui chơi quá sức vào thời điểm nóng nhất trong năm, cũng như bị dội nhiều xô nước đá, dẫn đến bệnh cảm lạnh và cúm vào tháng 4.
Tuy nhiên, điều đáng lưu ý nhất là mới đây, trước tết Songkran 2023, Cục kiểm soát ô nhiễm Thái Lan (PCD) đưa ra cảnh báo người dân không sử dụng nước từ 18 nguồn trong dịp lễ Songkran vì ô nhiễm. Các nguồn nước không an toàn bao gồm các đoạn sông chảy qua Bangkok và Nonthaburi.
Ông Pornsak Phuim, quan chức của PCD cho biết, các mẫu nước từ 61 địa điểm trên cả nước đã được thu thập trước lễ hội Songkran, nơi một lượng lớn nước được sử dụng để té nước. Các nguồn nước kém chất lượng có xu hướng nằm dọc theo cửa sông, nơi có nhiều nhà máy công nghiệp và cộng đồng dân cư đông đúc.
Các thử nghiệm cho thấy 18 vị trí sông không an toàn vì nước ô nhiễm. 18 con sông bao gồm sông Chao Phraya đi qua Bangkok và các huyện Bang Kruai và Pak Kret của Nonthaburi, cũng như các sông ở Nan, Lop Buri, Phetchaburi, Chanthaburi, Chumphon và Rayong.
Thái Lan từ lâu đã gắn việc quảng bá văn hóa với các chiến dịch xúc tiến du lịch, tích cực quảng bá các lễ hội và khuyến khích người nước ngoài tìm hiểu về các lễ hội văn hóa được tổ chức quanh năm. Trong đó, Songkran vào tháng 4 và lễ hội Loi Krathong vào tháng 11 xuất hiện trong mọi chiến dịch quảng bá du lịch của Thái Lan cả trong và ngoài nước.
Tết Songkran là một phần của nền tảng quyền lực mềm 5F của Thái Lan bao gồm Food, Film, Festival, Fight và Fashion (ẩm thực, phim, lễ hội, võ thuật và thời trang).
Trong 3 tháng đầu năm, Thái Lan đón 6,15 triệu khách quốc tế, vượt kế hoạch so với mục tiêu đề ra 6 triệu. Năm 2023, dự kiến 30 triệu khách quốc tế đến nước này.