Tại tọa đàm “Vì sao khách chưa quay trở lại bến xe?” do Báo Giao thông tổ chức chiều 24.4, ông Trần Hoàng, Phó giám đốc Công ty CP bến xe Hà Nội, chia sẻ sau Covid-19, các bến xe cả nước cũng như Hà Nội đều sụt giảm.
Trong đó, 3 bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm giảm bình quân 300.000 lượt xe/tháng, chiếm 28%, riêng bến xe Gia Lâm giảm gần 50%.
Về hành khách, mức độ ảnh hưởng trầm trọng hơn, số lượng giảm trên toàn công ty là 52%, trong đó bến xe Gia Lâm giảm gần 70%.
“Lượng xe về bến và hành khách suy giảm đã kéo theo sụt giảm về doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp. Đây là con số rất đáng lo ngại,” ông Hoàng đánh giá.
Còn theo ông Nguyễn Văn Lập, Giám đốc bến xe Nước Ngầm, trước dịch Covid-19, bến xe đón khoảng 600 – 700 lượt xe/ngày thường. Riêng dịp lễ, tết là trên 900 lượt nhưng hiện nay chỉ còn 250 – 300 lượt xe/ngày. Trong tháng 3 – tháng 4 này là trên 400 lượt xe/ngày, tỷ lệ giảm gần 50%.
Đánh giá về nguyên nhân, ông Nguyễn Công Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho rằng số lượng xe hợp đồng gia tăng so với xe tuyến cố định lên đến hàng chục nghìn xe. Chưa kể còn xuất hiện loại hình xe ghép, xe tiện chuyến cũng đang cạnh tranh không công bằng với xe tuyến cố định.
“Các điều kiện quản lý xe hợp đồng quá lỏng lẻo khi không phải đăng ký xin vào nốt, không đăng ký luồng tuyến, lái xe không bị kiểm soát, văn phòng đại diện mọc khắp nơi như một bến xe thu nhỏ, gây ra sự hỗn loạn, không thể quản lý”, ông Hùng nói.
Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng kiến nghị cần tập trung quản lý chặt, giao trách nhiệm cho chính quyền địa phương vì chỉ có họ mới biết trên địa bàn mình có bao nhiêu doanh nghiệp đang hoạt động để xử lý.
Khó chứng minh vi phạm xe hợp đồng trá hình?
Ông Cao Văn Hiệp, Phó chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội, thì cho rằng để chứng minh hành vi vi phạm của xe hợp đồng trá hình hay còn gọi là xe limousine lách luật hoạt động trái phép không dễ và mất nhiều thời gian.
Thực tế đã có nhiều quy định về việc các xe hợp đồng phải gắn thiết bị giám sát hành trình, phải gửi hợp đồng trước khi thực hiện chuyến đi tới cơ quan chức năng để cơ quan quản lý giám sát. Song, nhiều doanh nghiệp tìm nhiều cách né tránh. “Để xác định vi phạm, phải kiểm tra trực tiếp tại các doanh nghiệp, văn phòng đại diện mới xác định được hành vi vi phạm”, ông Hiệp nói.
Thiếu tá Trần Anh Tuấn, Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP.Hà Nội, đánh giá những hạn chế trong ứng dụng công nghệ thông tin, chế tài xử lý chưa đảm bảo tính răn đe đã khiến nhiều đơn vị vận tải kinh doanh theo loại hình xe hợp đồng tìm mọi phương thức, thủ đoạn để né tránh cơ quan chức năng, trốn tránh khi bị xử lý.
Cần dịch vụ trung chuyển ở bến xe
Từ thực tế doanh nghiệp, ông Đỗ Văn Bằng, Hiệp hội Vận tải Hà Nội, nhận định hành khách đã thay đổi hành vi trong việc tìm kiếm phương tiện vận tải, chủ yếu thông qua internet. Các doanh nghiệp vận tải, bến xe cần nắm bắt và đáp ứng được nhu cầu này của hành khách.
Ông Trần Hoàng, Phó giám đốc Công ty CP bến xe Hà Nội, cũng cho rằng dịch vụ của xe khách liên tỉnh không chỉ nằm ở bến xe, đơn vị vận tải mà là ở một chuỗi những dịch vụ đưa hành khách từ nhà ở địa phương này đến một điểm khác ở địa phương kia. Vì thế, phải trả lời câu hỏi hành khách từ nhà đến bến xe bằng cách nào, vào bến được đón tiếp ra sao, lên chuyến xe được phục vụ như nào?
Muốn làm được điều này phải có quy hoạch về luồng tuyến, bổ sung biểu đồ để đáp ứng nhu cầu hành khách. Cạnh đó, Sở GTVT Hà Nội đang nghiên cứu ứng dụng công nghệ cho xe trung chuyển đến các bến xe để thời gian tới có thể thực hiện công tác quản lý, tăng cường hiệu quả hơn.