Iran và Israel đang bước vào một cuộc xung đột trực diện ngày càng rõ ràng. Tehran rõ ràng lo lắng trước thái độ "tất tay' của Israel và mong muốn giữ thể diện với các lực lượng ủy nhiệm.
Israel tấn công vào Khiam, Lebanon ngày 3/10. (Nguồn: AFP) |
Trong một bài bình luận gần đây trên trang Asia Times, chuyên gia phân tích quan hệ quốc tế Aaron Pilkington, thành viên của Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông, Đại học Denver (Mỹ) nhận định về thực tế đối đầu hiện nay giữa Israel và Iran.
Chuyên gia này cho rằng, Israel và Iran đã rơi vào trạng thái của một cuộc chiến. Mặc dù cuộc xung đột giữa hai bên đã diễn ra âm thầm và lặng lẽ trong "bóng tối" suốt nhiều thập niên song các hoạt động vừa qua đã làm thay đổi bản chất của cuộc khủng hoảng, khiến cho khả năng hạ nhiệt căng thẳng trở nên khó đoán định.
Ngày 1/10, Iran đã tiến hành cuộc tấn công quy mô lớn nhằm vào Israel, được coi là động thái trả đũa Israel vì đã ám sát hai thủ lĩnh quan trọng Ismail Haniyeh của phong trào Hồi giáo Hamas và Hassan Nasrallah của lực lượng Hezbollah. Đây là đợt tấn công thứ hai của Tehran trong vòng 6 tháng.
Theo chuyên gia Mỹ, động thái đáp trả quân sự ngay lập tức của Israel sau đó - một cuộc không kích nhằm vào hệ thống phòng không tiên tiến duy nhất của Iran ở tỉnh Isfahan - là một bước đi có tính toán.
Các vụ tấn công qua lại hồi tháng 4 thể hiện rằng cả Israel và Iran mong muốn giảm căng thẳng hơn là dấn thân vào một cuộc chiến công khai tiếp diễn.
Trong bối cảnh khả năng và sự lãnh đạo của Hamas bị suy giảm ở Dải Gaza, giới lãnh đạo quân sự của Israel hồi tháng 6 tuyên bố rằng họ đã “sẵn sàng đối mặt” với lực lượng Hezbollah do Iran hậu thuẫn ở Lebanon.
Israel tự tin chuyển hướng
Chuyên gia Aaron Pilkington cho rằng, việc Israel chuyển hướng từ Gaza sang Lebanon trùng hợp với thời điểm vụ ám sát thủ lĩnh chính trị Hamas ngày 31/7 khi ông Haniyeh đang ở Tehran.
Mặc dù Lãnh đạo Tối cao Iran Khamenei đã hứa hẹn về một “phản ứng mạnh mẽ” đáp trả Israel, nhưng đến tháng 9, Tehran vẫn chưa có hành động nào.
Điều này khiến nhiều nhà phân tích Trung Đông hoài nghi khả năng Iran thật sự đáp trả Israel và ý nghĩa của những cam kết của ông Khamenei đối với các lực lượng ủy nhiệm.
Nếu lãnh đạo Iran lựa chọn “kiềm chế” sau vụ ám sát, thì nước này sẽ không phản ứng như vậy trước chiến dịch nhiều giai đoạn của Israel chống lại Hezbollah hồi giữa tháng 9.
Iran hy vọng sẽ làm chậm lại và thậm chí có thể đảo ngược những thành tựu mà Israel giành được trước Hezbollah, đặc biệt khi Israel bắt đầu các chiến dịch trên bộ nhắm vào miền Nam Lebanon.
Tất nhiên, quân đội Israel giờ đây phải đối phó với lực lượng du kích có năng lực nhất thế giới - lực lượng đã hoạt động rất hiệu quả trong cuộc chiến Israel-Hezbollah năm 2006.
Tuy nhiên, khả năng tạo ra bất ngờ và loại bỏ các lãnh đạo chủ chốt của Hezbollah chứng tỏ rằng chiến lược và khả năng lập kế hoạch tác chiến của Israel vượt trội hơn hẳn so với Hezbollah.
Và theo chuyên gia Aaron Pilkington, điều này gây ra một cú sốc lớn cho “viên ngọc quý” của Iran trong “Trục kháng chiến” (mạng lưới các lực lượng ủy nhiệm của Iran).
Trong bối cảnh này, cuộc tấn công trả đũa của Iran hôm 1/10 có thể được nhìn nhận như một nỗ lực để tạo thời gian cho Hezbollah bổ nhiệm lãnh đạo thay thế, tái tổ chức và chuẩn bị chống lại các đợt tấn công của Israel.
Hàng trăm tên lửa từ phía Iran bắn vào lãnh thổ Israel, ngày 1/10. (Nguồn: Arab News) |
Iran không thể đứng nhìn
Chuyên gia Aaron Pilkington nhận định, hành động trả đũa cũng nhằm giúp Iran giữ thể diện, đặc biệt là với các lực lượng trong mạng lưới ủy nhiệm.
Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đóng vai trò chủ chốt trong cuộc tấn công của Hamas vào Israel ngày 7/10/2023. Mặc dù Iran tuyên bố không nhận được thông tin trước về cuộc tấn công, nhưng sự hỗ trợ từ IRGC được coi là yếu tố quan trọng khuyến khích hành động của Hamas.
Chuyên gia Aaron Pilkington: Hành động trả đũa giúp Iran giữ thể diện, đặc biệt là với các lực lượng trong mạng lưới ủy nhiệm. |
Kể từ đó, Hamas gần như không nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ Tehran. Chuyên gia Aaron Pilkington cho rằng, điều này khiến Hamas suy yếu, không thể tổ chức chiến dịch tấn công hiệu quả. Các lãnh đạo quân đội Israel khẳng định Hamas đã bị đánh bại.
Chuyên gia Aaron Pilkington phân tích, khi xung đột tại Gaza bùng nổ, IRGC đã không có mặt. Giờ đây, khi Israel chuyển hướng chú ý sang Lebanon và giành được một số thành tựu ban đầu chống lại Hezbollah, Iran không thể đứng nhìn vì hai lý do chính.
Thứ nhất, một năm chiến đấu tại Gaza đã cho thấy Israel sẵn sàng làm mọi thứ để loại bỏ nguy cơ dọc biên giới, kể cả chịu áp lực chính trị quốc tế hoặc hành động trong lãnh thổ Iran. Thứ hai, các lực lượng ủy nhiệm của Iran ở nơi khác đang theo dõi xem Tehran tiếp tục hỗ trợ họ hay sẽ từ bỏ, như đã làm với Hamas.
Chiến thuật răn đe phát huy tác dụng
Theo chuyên gia Aaron Pilkington, Tehran đang đối mặt với áp lực phải khôi phục khả năng răn đe, điều này được phản ánh qua hai chiến lược chủ chốt: Mạng lưới các lực lượng ủy nhiệm và kho vũ khí tầm xa. Iran sử dụng cả tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và thiết bị bay không người lái có khả năng tấn công để bảo vệ lãnh thổ.
Chiến lược này nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công từ đối thủ theo hai cách: Một là đe dọa Israel và các đồng minh Mỹ trong khu vực thông qua các cuộc tấn công của lực lượng ủy nhiệm; hai là tạo ra các mục tiêu khác để đối thủ có thể tấn công mà không gây tổn hại trực tiếp đến Iran.
Tuy nhiên, việc Israel làm suy yếu Hamas và gia tăng các hoạt động chống lại Hezbollah đang đe dọa khả năng răn đe của Iran, điều mà các lãnh đạo của Cộng hòa Hồi giáo này coi là một rủi ro không thể chấp nhận.
Ông Aaron Pilkington lập luận, những mệnh lệnh khẩn cấp đan xen này có thể đã thúc đẩy các nhà lãnh đạo Iran tiến hành một cuộc tấn công tên lửa trực tiếp lớn thứ hai vào Israel ngày 1/10.
Iran tuyên bố, 90% tên lửa đánh trúng mục tiêu, trong khi Israel và Mỹ cho rằng, cuộc tấn công này “thất bại và không hiệu quả”, mặc dù có video không xác thực cho thấy một số tên lửa đã nổ sau khi chạm đất tại Israel.
Tuy nhiên, cuộc xung đột này chắc chắn chưa kết thúc. Israel sẽ không dừng các hoạt động ở Lebanon cho đến khi hoàn thành mục tiêu an ninh biên giới. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã cam kết trả đũa Iran vì cuộc tấn công vừa qua.
Trong khí đó, lãnh đạo IRGC cũng đe dọa rằng, nếu Israel đáp trả quân sự cuộc tấn công ngày 1/10, Iran sẽ trả đũa bằng những cuộc tấn công “hủy diệt và nghiền nát”.
Chuyên gia Aaron Pilkington nhận định, những động thái quân sự của hai bên cho thấy sẽ không bên nào lùi bước. Động thái tiếp theo của Israel sẽ quyết định diễn biến của cuộc xung đột với Iran.
Nguồn: https://baoquocte.vn/vi-sao-iran-khong-do-du-dua-xung-dot-voi-israel-ra-anh-sang-the-dien-la-mot-chuyen-nhung-co-dieu-quan-trong-hon-289188.html
Bình luận (0)