STO – Theo Bộ Công Thương, hàng Việt Nam đã chiếm tỷ lệ hơn 90% trong các cơ sở phân phối của doanh nghiệp trong nước. Đối với các siêu thị nước ngoài tại Việt Nam, tỷ lệ hàng Việt cũng chiếm từ 60% đến trên 95%. Đó là lý do vì sao tại trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, tiệm tạp hóa và các chợ truyền thống của tỉnh Sóc Trăng phần lớn đều bày bán hàng Việt.
Tin dùng vì chất lượng
Dù đã mua đủ thực phẩm theo dự kiến nhưng chị Trúc (thành phố Sóc Trăng) vẫn tiếp tục lựa thêm ít rau củ vì hàng vừa được siêu thị bổ sung còn mới toanh. Theo chị Trúc, nhiều năm nay, chị chuyên sử dụng các loại rau củ quả như: bắp cải, cà rốt, khoai tây hồng, ớt chuông… được siêu thị nhập về từ Đà Lạt, bởi chất lượng tốt, có nguồn gốc rõ ràng, giá lại rẻ.
Nhìn xe đẩy đầy ắp hàng hóa từ nước tương đến mì gói, phở gói, bánh ngọt… mà chị Phượng (thành phố Sóc Trăng) cùng mẹ mua sắm tại siêu thị trong tỉnh toàn đến từ các thương hiệu trong nước. “Hầu hết các đồ gia dụng, thực phẩm, gia vị, hóa mỹ phẩm… nhà tôi sử dụng đều do các doanh nghiệp trong nước sản xuất. Hàng Việt bây giờ không thua gì hàng ngoại, từ bao bì, mẫu mã đến chất lượng, giá cũng phù hợp với túi tiền gia đình” – chị Phượng vui vẻ cho biết.
Thói quen tiêu dùng của chị Du (huyện Trần Đề) trong những năm gần đây đã chuyển hẳn sang các sản phẩm, hàng hóa có nguồn gốc trong nước. Bởi đa dạng về mẫu mã, chủng loại, có thể mua sắm dễ dàng tại các cửa hàng nhỏ lẻ ở quê đến các siêu thị lớn.
Người dân tin tưởng mua sắm hàng hóa do doanh nghiệp Việt sản xuất bày bán tại siêu thị trong tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: HOÀNG LAN
Là đơn vị chuyên phân phối hàng Việt, Siêu thị Co.opmart Sóc Trăng hiện kinh doanh khoảng 12.000 – 15.000 sản phẩm các loại từ thực phẩm tươi sống, hóa mỹ phẩm, thực phẩm khô, gia vị đến đồ gia dụng, quần áo thời trang… đều được sản xuất trong nước. Để đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, tất cả các sản phẩm vào siêu thị phải đảm bảo các tiêu chí khắt khe của đơn vị, đó là lý do mà người tiêu dùng lựa chọn mua sắm hàng Việt tại đơn vị.
Nắm bắt được xu thế của người tiêu dùng nên tại Siêu thị Ánh Quang Plaza bày bán nhiều hàng Việt, khách hàng dễ dàng mua sắm. Anh Văn Kim Quang – Quản lý siêu thị cho biết, dù chuyên kinh doanh hàng ngoại nhập nhưng hàng Việt tại đơn vị chiếm thị phần khá lớn. Các mặt hàng được khách ưa chuộng là các sản phẩm OCOP của tỉnh và các thương hiệu Việt lâu năm như cà phê, yến sào, các sản phẩm từ sữa của các thương hiệu nổi tiếng trong nước… hàng tháng doanh số bán ra đều tăng, chứng tỏ hàng Việt đã từng bước khẳng định vị thế của mình.
Tuyên truyền sâu – quảng bá tốt
Để hàng Việt nhận được sự tin tưởng của người Việt, bên cạnh chất lượng thì phải kể đến công tác tuyên truyền, quảng bá. Góp công lớn nhất là Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đồng chí Lâm Dũng Liêm – Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh nhấn mạnh, trong những năm qua, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã đem lại hiệu quả tích cực, tạo sức lan tỏa lớn cho hàng Việt, đã trở thành tiêu chí hành động của từng địa phương trong cả nước. Tại Sóc Trăng, ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tỉnh và địa phương tổ chức các cuộc tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân thay đổi nhận thức và hành vi trong tiêu dùng theo hướng ưu tiên sử dụng các loại hàng hóa, sản phẩm có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng do các doanh nghiệp, nhà sản xuất, kinh doanh Việt Nam làm ra. Song song đó, tỉnh quan tâm vận động các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh cam kết đảm bảo chất lượng hàng hóa, dịch vụ theo tiêu chuẩn quy định, giữ lòng tin người tiêu dùng. Hiện toàn tỉnh xây dựng và phát triển được 189 sản phẩm đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên, đây là điều kiện quan trọng để sản phẩm địa phương khẳng định vị thế và từng bước vươn ra các thị trường lớn, tiếp cận người tiêu dùng khó tính.
Các cơ sở sản xuất trong tỉnh tham gia hoạt động “Trưng bày sản phẩm Việt” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Sóc Trăng tổ chức. Ảnh: HOÀNG LAN
Bên cạnh đó, tỉnh tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm, phiên chợ để giới thiệu, kết nối, đưa sản phẩm được sản xuất trong nước, trong tỉnh đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước, nhất là đưa hàng Việt về nông thôn. Ngoài ra, tỉnh chỉ đạo tổ chức các điểm bán hàng như: “Tự hào hàng Việt Nam”, “Phiên chợ nông sản an toàn – chất lượng”, ra mắt “Cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của tỉnh”… Qua đó, đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, thương hiệu và bán hàng; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho doanh nghiệp; tạo niềm tin cho người tiêu dùng đối với hàng hóa Việt Nam, nâng cao ý thức, văn hóa tiêu dùng hàng Việt trong nhân dân.
Tiếp tục nâng tầm hàng Việt
Đồng chí Hứa Trường Sơn – Phó Giám đốc Sở Công Thương nhận định, hiện tại Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã và đang lan tỏa mạnh mẽ và được người tiêu dùng cả nước hưởng ứng tích cực. Đây là lợi thế, cơ hội để những nhà sản xuất trong nước lấy lại thị trường trên sân nhà. Và hơn ai hết, để làm được điều đó, bản thân doanh nghiệp phải tự nâng cao tiêu chuẩn cho sản phẩm của mình phù hợp với quy định trong nước và quốc tế.
Phía các cơ quan quản lý nhà nước sẽ tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, thông qua triển khai các chương trình, đề án hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh trong tỉnh đổi mới công nghệ sản xuất, bao bì, mẫu mã, xây dựng và bảo hộ thương hiệu các sản phẩm… Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Triển khai các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa nhằm đẩy mạnh lưu thông và kích thích tiêu dùng xã hội; thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021 – 2025. Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh mở rộng kênh phân phối tiêu thụ sản phẩm hàng hóa trên môi trường mạng… để đưa sản phẩm Việt đến tay người tiêu dùng.
Sóc Trăng tích cực hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới quy trình sản xuất, nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng. Ảnh: HOÀNG LAN
Đại diện Siêu thị Co.opmart Sóc Trăng, bà Đặng Ngọc Uyên Phương cho biết, siêu thị chính là kênh quảng bá hàng Việt uy tín. Vì vậy, từng doanh nghiệp phải đổi mới, chủ động được vùng nguyên liệu, khâu sản xuất, kiểm định, đóng gói, bảo quản… để sản phẩm đủ chuẩn vào hệ thống siêu thị thì việc tiếp cận người tiêu dùng Việt không phải là chuyện khó.
Ông Lương – một Việt kiều Đức cho biết, dù ở nước ngoài nhưng ông dễ dàng mua sắm các sản phẩm mang thương hiệu Việt. Hiện có rất nhiều hàng hóa nhập từ Việt Nam được bày bán tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Sản phẩm Việt không chỉ được bà con Việt kiều tin dùng mà người bản địa cũng ưu tiên lựa chọn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục nâng tầm hàng Việt về chất lượng, mẫu mã… hướng đến những sản phẩm hữu cơ, bao bì thân thiện với môi trường.
HOÀNG LAN