Đó là kết quả của việc sử dụng kết hợp của hàng loạt công nghệ khác như hình ảnh vệ tinh, chụp ảnh trên không, lập bản đồ đường phố, chế độ xem toàn cảnh 360, cũng như dữ liệu thông tin địa lý (GIS), tạo nên một bản đồ kỹ thuật số toàn diện phục vụ cho mục đích khảo sát tuyến đường di chuyển bằng các phương tiện khác nhau.
Google Maps được cập nhật liên tục với tính năng và dữ liệu mới để tối ưu hoá, cũng như nâng cao tính năng hữu ích, biến ứng dụng này trở thành một phần không thể thiếu trong du lịch hiện đại của hàng tỷ người khắp thế giới.
Đằng sau ứng dụng có vẻ đơn giản này là một quy trình thu thập dữ liệu phức tạp thông tin chất lượng cao từ nhiều nguồn khác nhau, chẳng hạn như người dùng trước, vệ tinh, phương tiện giao thông,… để có thể trả lời những truy vấn điều hướng người dùng đang tìm kiếm.
Bản đồ “sống” đi trước thời đại
Cách đây không lâu, việc tìm kiếm một vị trí trên bản đồ có nghĩa là mở một tờ giấy khổng lồ và dành vô số thời gian để quét qua các dấu chấm, dòng và chữ nhỏ. Google không phải là công ty đầu tiên nghĩ đến việc tạo ra một bàn đồ kỹ thuật số, song khi Maps ra mắt vào giữa những năm 2000, nó có công nghệ chưa từng thấy trước đây. Google Maps còn được ra mắt với tính năng chụp ảnh vệ tinh trên trình duyệt, một hệ thống công nghệ đi trước thời đại.
Chưa ai từng nhìn thấy ngôi nhà của chính mình qua hình ảnh vệ tinh, càng không phải qua hình ảnh vệ tinh màu. Đây là một cái nhìn hoàn toàn mới và thú vị về thế giới. Nhưng tất cả chỉ là điểm khởi đầu.
Google bắt đầu cải tiến và nâng cấp sản phẩm bản đồ kỹ thuật số thông qua một số thương vụ mua lại khôn ngoan. Phần lớn thành công mà Maps tạo ra ngày nay đến từ việc sớm mua lại Where 2 Technologies và Keyhole. Những bổ sung công nghệ khi kết hợp hai công ty này với công cụ hiện có của Google đã cải thiện đáng kể chất lượng của Maps, giúp sản phẩm trở nên dễ tiếp cận và tương tác hơn với người tiêu dùng.
Với Keyhole, gã khổng lồ tìm kiếm sở hữu phần mềm quan trọng trong việc tạo ra công cụ đánh giá hình ảnh vệ tinh dễ sử dụng. Trong khi đó, thương vụ Where 2 mang đến trải nghiệm giao diện người dùng tốt hơn hẳn so với những sản phẩm khác. Cách mọi người cuộn, phóng to thu nhỏ bản đồ số mà không cần tải lại trang từ công ty này đã giúp Google có lợi thế cạnh tranh độc nhất.
Trò chơi “ghép hình” khổng lồ
Google Maps đã nhanh chóng mở rộng công nghệ và mở cửa cho các nhà phát triển tích hợp chế độ Streetview trên nền tảng Android và iOS. Nhưng chính xác thì làm thế nào công ty này đã kết hợp những điều trên để đưa người dùng từ điểm A đến điểm B?
“Điều cơ bản là phải có một mô hình của thế giới thực, một sự thực được số hoá của thế giới, trong đó bao gồm cả những con đường”, Christopher Phillips, giám đốc bộ phận Geo của Google chia sẻ.
Để có mô hình thực tế này, Google sử dụng hình ảnh vệ tinh và hình ảnh viễn thám trên không. Sau đó, hình ảnh được xếp lớp (layer) với dữ liệu từ chế độ Streetview thông qua quy trình có tên “đo ảnh”. Kết hợp tiếp quy trình này với dữ liệu GPS, chúng ta có một hình ảnh đi kèm toạ độ chính xác. Cũng từ đó, Google có thể đo được khoảng cách hình ảnh và vị trí của chúng với vị trí thực tế.
Sau khi có được tất cả các thông tin và hình ảnh định hình bản đồ, Google xếp thêm lớp dữ liệu về giao thông, tuyến đường và hoạt động kinh doanh. Với hơn 1 tỷ người dùng hàng tháng, lượng dữ liệu thực của công ty liên tục được làm đầy và làm mới. Bên cạnh đó, họ cũng lấy dữ liệu từ chính quyền địa phương, chẳng hạn như lịch trình xe bus và tàu hoả, cũng như thông tin từ các doanh nghiệp.
Nhưng công việc đến đây vẫn chưa hoàn thành. Google cần một giải pháp để lấp đầy khoảng trống về dữ liệu và hình ảnh tại những khu vực xa xôi hay khó tiếp cận. Đây là lúc Streetview lên tiếng.
Streetview không chỉ là chế độ cho phép người dùng khám phá “ảo” những địa điểm xung quanh họ, còn đóng vai trò quan trọng trong quy trình thu thập dữ liệu ảnh toàn diện. Gã khổng lồ tìm kiếm đã gắn hệ thống camera trên mọi thứ họ có thể nghĩ ra, từ xe hơi, xe máy, xe trượt tuyết, cho đến lạc đà, thợ lặn, hay thậm chí cả phi hành gia,…
Những hệ thống camera này không chỉ chụp ảnh đơn thuần, mà còn giúp công ty thực hiện công việc kiểm tra lại thông tin (double-check), tinh chỉnh và tối ưu hoá dữ liệu bản đồ cập nhật nhất. Công nghệ AI trên camera phát hiện bất kỳ sự thay đổi nào và gửi về máy chủ Google để đối chiếu tìm ra sự khác biệt hay sai lệch với hình ảnh trước đó.
Làm thế nào Google Maps ước tính được thời gian di chuyển từ điểm A đến điểm B?
Để dự đoán mất bao lâu di chuyển từ điểm này sang điểm khác, hoặc đánh giá mức độ đông đúc của một địa điểm, Google dựa vào các bài đánh giá, thông tin được đóng góp và dữ liệu vị trí ẩn danh của người dùng làm nguyên liệu đầu vào cho các thuật toán phức tạp sàng lọc mô hình dự báo.
Như vậy, dự đoán cuối cùng là dữ liệu được tổng hợp từ hàng triệu tài khoản, kết hợp với công cụ lập bản đồ và vị trí gần đúng của người dùng. Những thông tin này cũng giúp Google thực hiện các quảng cáo nhắm đến người dùng – một trong những lĩnh vực kiếm tiền chính của gã khổng lồ này.