Tại phiên chất vấn lĩnh vực tài chính của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra vào sáng 18/3, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đã giải trình việc giá vé máy bay tăng cao trong thời gian vừa qua.
Người đứng đầu Bộ Tài chính cho biết, từ quy định của Luật giá, Bộ GTVT sẽ quyết định khung giá vé máy bay. Các công ty sẽ bán giá vé trong khung đó và dựa trên nhu cầu thực tế đi lại của người dân để đưa ra mức giá vé cho phù hợp.
Đáng lưu ý, ông Phớc thông tin, vừa qua giá vé máy bay dù có tăng nhưng các công ty vẫn lỗ. Chẳng hạn, hãng Bamboo đã cắt giảm nhiều đường bay, còn Vietjet cũng đang gặp khó khăn. Với Vietnam Airlines lỗ đến 37.000 tỷ đồng, năm nào lãi nhanh nhất, mạnh nhất cũng chỉ được 3.000 tỷ đồng và vẫn rất khó khăn.
Lý giải vì sao giá vé máy bay dù tăng cao nhưng các công ty vẫn thua lỗ, PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh – Chuyên gia kinh tế cho rằng có nhiều nguyên nhân.
“Thứ nhất, lượng hành khách của các đường bay không ổn định, lưu lượng người đi máy bay từng thời điểm cũng không ổn định.
Ví dụ: Đường bay Hà Nội – TP.HCM dài tới 1.800 km rất thuận lợi phát triển hàng không, nhưng chi phí để đi máy bay rất cao và không phải ai cũng có điều kiện đi máy bay. Chính vì thế, lượng khách chỉ đông theo thời điểm, đặc biệt trong các dịp lễ, Tết.
Việc hành khách tăng cao theo thời điểm đồng nghĩa với việc quá tải không đủ nhân lực để phục vụ, trong khi lúc vắng khách thì chi phí duy trì hoạt động của các hãng hàng không vẫn phải chi trả. Trong khi đó, hãng hàng không đi thuê máy bay, đều phải thuê tới vài năm nhưng chỉ có vài thời điểm đông khách”, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh nói.
Nguyên nhân thứ hai, theo chuyên gia là việc mở đường bay cũng đòi hỏi các quy định khắt khe. Với các đường bay dù ít khách vẫn phải duy trì bay theo tần suất 1 – 2 chuyến/tuần khiến chi phí phát sinh tăng cao.
“Theo quy định, những đường bay dù ít khách, hãng hàng không vẫn phải duy trì bay, dù lỗ vẫn phải bay. Do đó, các đường bay có lượng khách đông cũng không đủ để hãng bù lỗ cho đường bay vắng khách”, PGS Đinh Trọng Thịnh nêu.
Nguyên nhân khác, theo chuyên gia là hiện nay hạ tầng đường cao tốc đang hoàn thiện, đường sắt cũng nâng cao chất lượng phục vụ khiến cho khách đi các đường bay ngắn cũng giảm theo. Trong khi, vắng khách vẫn phải bay và phải chấp nhận lỗ. Trái ngược với đó là những ngày lễ, Tết cao điểm đông khách lại không có người, không đủ máy bay để phục vụ. Vì vậy, giá vé máy bay sẽ phải tăng cao theo nhu cầu, thậm chí giá vé cao mà không mua được.
“Chi phí duy trì bay quá cao, trong khi khách không có khiến cho các hãng hàng không càng thuê máy bay càng lỗ, vì khi thuê máy bay sẽ phát sinh thêm nhiều chi phí, sân đỗ, cất hạ cánh, duy tu bảo dưỡng,…. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho các hãng hàng không liên tục có động thái trả lại máy bay cho đối tác cho thuê.
Cụ thể, Bamboo Airways trả hàng loạt máy bay để thu hẹp quy mô, đến việc nhà sản xuất động cơ máy bay thông báo thu hồi động cơ lỗi và gần đây là động thái trả hết máy bay của Pacific Airlines. Tính đến cuối năm 2023, tổng số máy bay thương mại đăng ký quốc tịch Việt Nam là 247 chiếc. Trong đó, Pacific Airlines có 11 chiếc Airbus A320.
Điều này, đồng nghĩa với việc thiếu hụt máy bay để phục vụ bay, và như vậy dịp cao điểm 30/4 tới đây giá vé máy bay sẽ tăng cao dù không vượt giá trần”, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh nói.