Anh Minh Liên – từng sở hữu cửa hàng thời trang trên đường Hiệp Bình, TP Thủ Đức, TP HCM – cho biết mặt bằng trước đây anh thuê giá 25 triệu đồng/tháng nhưng vì kinh doanh ế ẩm nên thường xuyên phải bù lỗ. “Cảm thấy không thể kéo dài, tôi đành phải trả lại mặt bằng. Sau đó thuê một căn nhà trong hẻm để bán hàng online, dù không lời nhiều nhưng đỡ áp lực hơn trước” – anh Liên kể.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, làn sóng trả mặt bằng ở TP HCM đã kéo dài từ đầu năm đến nay nhưng chưa có dấu hiệu kết thúc. Thậm chí còn lan từ khu trung tâm quận 1 ra những con đường sầm uất ở các quận 3, 5, Gò Vấp, TP Thủ Đức… Điều đáng nói là dù cho thuê ế ẩm nhưng rất ít chủ nhà chịu giảm giá thuê như những năm đại dịch COVID-19.
Một mặt bằng bỏ trống trên đường Hiệp Bình, TP Thủ Đức.
Ông Sơn – 62 tuổi, chủ một số mặt bằng ở TP Thủ Đức – giải thích những căn nhà ông đang cho thuê đều có mức giá rất rẻ, có thể nói thấp hơn so với mặt bằng chung nên không giảm thêm được nữa. “Căn nào chưa cho thuê được là do chưa tìm được khách hàng phù hợp. Giá tôi đang rao cho thuê cũng khá rẻ rồi nên không giảm được nữa. Nếu muốn giảm thêm phải chấp nhận ký hợp đồng tối thiểu 4-5 năm kèm điều kiện tăng 10% sau khi kết thúc năm đầu tiên. Còn không cứ để đó, khi nào thị trường ổn định lại sẽ có khách. Tôi còn có dãy trọ cho thuê, thu nhập đều đặn hằng tháng nên không nóng vội” – ông Sơn nói.
Theo luật gia Nguyễn Tấn Phong, Ủy viên thường vụ Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, hiện nay đa phần mặt bằng cho thuê đều đang được chủ nhà mang đi thế chấp nên nếu giảm giá sẽ ảnh hưởng nhiều mặt. “Với những người đầu tư tài chính, việc cho thuê hoặc không thì không quá quan trọng nhưng nếu giảm giá thuê sẽ ảnh hưởng giá mặt bằng chung, định giá tài sản và các vấn đề khác” – ông Phong giải thích.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tất Thịnh, nhà sáng lập Công ty CP Housezy, cho biết hầu hết các mặt bằng bỏ trống ở khu vực trung tâm TP HCM hoặc những tuyến đường lớn thường thuộc sở hữu của những người có năng lực tài chính tốt. “Họ chấp nhận bỏ trống chứ không giảm giá cho thuê vì nếu giảm sâu sẽ ảnh hưởng mặt bằng chung và tương lai giá thuê trong khu vực sẽ khó tăng. Ngoài ra, cho thuê mặt bằng đôi khi không phải là nghề chính mà chỉ là nguồn thu phụ của họ” – ông Thịnh nói.
Ông Kiên, Phó Tổng Giám Đốc Công ty CP Đầu tư Phát triển Wowhome, phân tích có 4 nguyên nhân chính khiến nhiều mặt bằng bỏ trống nhưng chủ nhà vẫn quyết không giảm giá thuê. Thứ nhất, 80% mặt bằng bỏ trống tại trung tâm TP HCM là của nhà nước nên rất khó giảm. Thứ hai, vì một mặt bằng có quá nhiều môi giới rao khiến chủ nhà như bị lạc vào “ma trận” thông tin nên không thể ra quyết định. Thứ ba, chủ những mặt bằng đó thường có 5 – 7 căn nhà, họ chấp nhận chịu lỗ vài tháng vì nghĩ qua năm, kinh tế phục hồi sẽ cho thuê được giá hơn. Cuối cùng, nếu giảm giá để có người thuê thì sau này rất khó tăng lên mức giá như mong muốn.
Nguồn: https://nld.com.vn/kinh-te/vi-sao-gia-mat-bang-cho-thue-khong-giam-20231113212245867.htm