Giá đất thay đổi chóng mặt
Dự án đường Vành đai phía Tây ở Cần Thơ được phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 38 và Quyết định 3543. Dự án có tổng mức đầu tư 3.837 tỷ đồng.
Nhưng mới đây, chủ đầu tư là Sở Giao thông vận tải thành phố Cần Thơ đề xuất điều chỉnh tăng thêm 2.899 tỷ đồng, nâng tổng mức đầu tư lên 6.737 tỷ đồng.
Trong số này, chi phí giải phóng mặt bằng chiếm phần lớn, từ 829 tỷ đồng sẽ tăng thêm 1.650 tỷ đồng, nâng tổng chi phí này lên 2.479 tỷ đồng.
Theo chủ đầu tư, đơn giá thu hồi đất áp dụng theo Quyết định 19 quy định về đơn giá đất khi thu hồi ở thời kỳ 5 năm (2020-2024) và Quyết định 11 quy định về hệ số điều chỉnh giá đất, Quyết định 10 để tính đơn giá nhà, công trình, vật kiến trúc, cây trồng và vật nuôi.
Trong quá trình triển khai, do phải thực hiện công tác thẩm định giá, phê duyệt đơn giá đất tại thời điểm thực hiện bồi thường hỗ trợ và tái định cư, giá đất cụ thể từng vị trí mà dự án đi qua còn được phê duyệt theo những quyết định khác.
Dự án đi qua năm quận huyện của thành phố Cần Thơ, gồm: Ô Môn, Bình Thủy, Phong Điền, Ninh Kiều và Cái Răng.
Cụ thể, giá đất theo Quyết định 19 và giá đất cụ thể theo quyết định giá đất cụ thể riêng khu vực quận Ô Môn cho thấy, tùy khu vực mà giá đất ở từ đô thị tăng từ 4,4 triệu đồng/m2 lên 27 triệu đồng/m2; Đất trồng cây lâu năm từ 173.800 đồng/m2 tăng lên 11,8 triệu đồng/m2; đất trồng cây hằng năm từ 157,299 đồng/m2 tăng lên 11,784 triệu đồng/m2 (tăng đến 75 lần).
Tất cả các quận hu -1.287838yện dự án đi qua giá đất đều tăng
Trên địa bàn quận Ô Môn, tùy theo loại đất và vị trí mà đều tăng thấp nhất là 2,1 lần, cao nhất là 75 lần.
Tương tự, ở quận Bình Thủy, giá đất một số loại tăng từ thấp nhất là 2,1 lần, cao nhất 31,9 lần. Huyện Phong Điền tăng từ thấp nhất 4,5 lần, cao nhất 37,6 lần; Quận Cái Răng tăng thấp nhất là 3,3 lần, cao nhất 37,6 lần; Quận Ninh Kiều tăng thấp nhất 1,5 lần, cao nhất 27,3 lần.
Từ những con số trên, theo tính toán của chủ đầu tư, chi phí giải phóng mặt bằng của dự án từ hơn 829 tỷ đồng sẽ tăng thành 2.479 tỷ đồng.
Vẫn theo chủ đầu tư, giá đất đền bù thực tế có chênh lệch rất lớn so với giá đất được ban hành tại Quyết định 19. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tăng chi phí đền bù giải phóng mặt bằng.
Ngoài ra, một số nguyên nhân khác cũng làm đội vốn dự án này. Trong đó bao gồm: Phát sinh thêm hạng mục di dời hạ tầng kỹ thuật với chi phí gần 110 tỷ đồng; Thay đổi một số hạng mục công trình như khối lượng cầu cống từ 20 lên 25 vị trí.
Các chi phí khác cũng tăng như: tư vấn đầu tư xây dựng tăng từ 50 tỷ lên gần 120 tỷ đồng; Chi phí khác từ 27 tỷ lên gần 90 tỷ đồng; Chi phí dự phòng tăng từ 445 tỷ lên 584 tỷ đồng.
Đồng thời, chủ đầu tư bổ sung chi phí đoạn từ đường Nguyễn Văn Cừ đến đường tỉnh 923 thêm 581 tỷ đồng.
Việc các vật liệu chính của công trình tăng giá so với thời điểm lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (12/2020) cũng là một trong những nguyên nhân chính.
Dự án đường Vành đai phía Tây (nối quốc lộ 91 và quốc lộ 61C) ở Cần Thơ khởi công ngày 17/11/2022. Trong tổng vốn đầu tư hơn 3.837 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 2.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương 1.837 tỷ đồng), chi phí xây dựng 2.684 tỷ đồng, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hơn 1.000 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2021-2026.
Theo thiết kế, đường Vành đai phía Tây có điểm đầu nối quốc lộ 91 tại quận Ô Môn, đi qua các quận, huyện: Bình Thủy, Phong Điền, Ninh Kiều, Cái Răng rồi nối vào quốc lộ 61C.
Toàn tuyến dài 19,3km, mặt cắt ngang đầu tư hai đơn nguyên, mỗi bên 16,5m (phần mặt đường 11m), vận tốc thiết kế 50-60km/h… với 25 cầu; trong đó, lớn nhất là cầu Ba Láng vượt sông Cần Thơ dài 518m, 14 cống mỗi bên cùng 9 nút giao và 9 điểm quay đầu xe.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/vi-sao-gia-boi-thuong-mot-so-loai-dat-o-duong-vanh-dai-phia-tay-can-tho-tang-75-lan-19224053110521734.htm