Tại sao Fed không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục hạ lãi suất?
Phó Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Richard Clarida mới đây cho rằng lãi suất của Mỹ đang ở mức thích hợp và tỷ lệ này sẽ không sớm thay đổi.
Nhận định trên được đưa ra sau khi ngày 30/10, Fed quyết định cắt giảm lãi suất cơ bản 0,25 điểm phần trăm, từ biên độ 1,75-2% xuống còn 1,5-1,75%.
Đây là lần thứ ba Fed hạ lãi suất trong năm nay nhằm hỗ trợ kinh tế Mỹ trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, lạm phát dưới mục tiêu và những bất ổn do cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung kéo dài.
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, trang mạng theconversation.com ngày 30/10 đăng bài viết của Giáo sư chuyên ngành kinh tế Andreas Kern tại Đại học Georgetown, với nhan đề “Tại sao Fed không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc vẫn phải cắt giảm lãi suất?” đánh giá về những nguyên nhân dẫn đến động thái nói trên của định chế tài chính có tầm ảnh hưởng toàn cầu này, bài phân tích đưa ra một số luận cứ đáng chú ý.
Theo đó, Giáo sư Andreas Kern cho rằng việc Fed cắt giảm lãi suất lần thứ ba trong năm 2019 thoạt tiên dường như là một điều rất phi lý bởi động thái này diễn ra khi một nền kinh tế vẫn phát triển mạnh dựa trên các số liệu thống kê thực sự là một biện pháp hiếm gặp.
Tuy nhiên, ông Andreas Kern khẳng định, với tư cách là một chuyên gia nghiên cứu về vòng tuần hoàn phát triển và suy thoái kinh tế, ông nhận định việc hạ lãi suất sẽ mang lại nhiều hiệu ứng tích cực hơn so với việc không hạ lãi suất, bởi tình trạng nợ đọng trong khu vực doanh nghiệp đang ở ngưỡng nguy hiểm, tạo ra một bong bóng tài chính.
[Liệu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có nhấn phanh ngừng hạ lãi suất?]
Việc tăng vay vốn cũng khiến nguy cơ phá sản và tranh chấp tài chính gia tăng, qua đó có thể khiến con tàu kinh tế Mỹ đi trật đường ray.
Thực trạng kinh tế Mỹ: Dưới đáy của tảng băng
Xét bề nổi, nền kinh tế Mỹ dường như có nhiều tín hiệu khả quan với tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp trong vòng một nửa thế kỷ qua, lạm phát tiệm cận mức mục tiêu 2%, và trong khoảng 125 tháng, Mỹ đã trải qua thời kỳ tăng trưởng kinh tế dài nhất kể từ ít nhất những năm 1850.
Tuy nhiên, vấn đề tồn tại của nền kinh tế Mỹ lại ẩn sâu phía dưới tảng băng.
Theo đó, các cuộc chiến thương mại do Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động đã tác động nặng nề tới các công ty, tầng lớp nông dân và người tiêu dùng Mỹ.
Ngành công nghiệp chế tạo vốn lâu nay được xem là động lực thúc đẩy tạo việc làm cho người Mỹ, hiện đang trong tình trạng suy yếu nhất kể từ năm 2009.
Xét trên phạm vi rộng hơn vượt ra ngoài nước Mỹ, tình hình thậm chí còn nghiêm trọng hơn khi nền kinh tế toàn cầu giảm tốc, và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo sẽ rất khó tránh khỏi một sự suy thoái kinh tế cũng như không có nhiều công cụ để ứng phó với tình trạng này.
Ngoài ra, do chu kỳ tăng trưởng kinh tế đi theo hình xoắn ốc, nên nếu không chặn được đà suy thoái kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp và phá sản sẽ gia tăng, cùng với đó là chi tiêu tiêu dùng sẽ giảm.
Tình trạng đã từng xảy ra vào năm 2008 khi doanh nghiệp đi vay không thể trả cho tài sản thế chấp của họ. Hay nói cách khác, trong môi trường kinh doanh và tài chính có độ rủi ro cao, một sự tăng hay giảm suất không đúng hướng dù ở mức thấp nhất cũng sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận của các doanh nghiệp.
Do đó, việc cắt giảm lãi suất diễn ra trong bối cảnh có nhiều thuận lợi được cho là động thái đi trước nhằm chống lại bất cứ cú sụt giảm tiềm năng nào trong tương lai.
“Bong bóng” nợ doanh nghiệp
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 là khoản nợ quá lớn trên thị trường bất động sản, và phần lớn trong số đó là nợ xấu.
Hiện nay, vấn đề này nằm ở các doanh nghiệp Mỹ. Số nợ của các công ty Mỹ hiện đang ở mức cao kỷ lục 15.500 tỷ USD, tương đương 2/3 GDP của Mỹ.
Đáng chú ý, khoản vay nợ này không được ưu tiên sử dụng cho tăng trưởng và mở rộng tài chính mà nhằm chủ yếu nhằm đẩy giá cổ phiếu thông qua việc thu mua cổ phiếu và cổ tức.
Vấn đề sẽ xảy ra khi lãi suất bắt đầu tăng, các công ty sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ hơn, họ không thể tiếp tục vay hoặc trả nợ. Chính điều này đã biến sự bùng nổ tín dụng thành một cuộc khủng hoảng tài chính vào năm 2008.
IMF ước tính, một nửa số doanh nghiệp vay nợ, ngoại trừ các doanh nghiệp nhỏ, phải đối mặt với nhiều rủi ro khó trả hết nợ hoặc vỡ nợ.
Ngoài ra, điều khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn là 660 tỷ USD nợ của các công ty dưới dạng vay thế chấp, đã được bán cho các nhà đầu tư và định chế tài chính khác nhau.
Mặc dù điều này đã giúp duy trì lãi suất ở mức thậm chí còn thấp hơn, song lại làm gia tăng những khoản nợ trả không đúng đáo hạn và tình trạng vỡ nợ, gây ra những thiệt hại cho thị trường cũng như các nhà đầu tư.
Như vậy, dù Fed không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục hạ lãi suất và duy trì ở mức này và động thái này có thể tạo ra một làn sóng tương tự trên quy mô toàn cầu.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, Fed có nhiều cách trực tiếp hơn để giảm thiểu rủi ro đối với tăng trưởng.
Ví dụ, Fed có thể cam kết về một kế hoạch hành động rõ ràng và tích cực trong trường hợp xuất hiện các dấu hiệu tăng trưởng chậm lại.
Cụ thể, ngân hàng trung ương này có thể cam kết sẽ cắt giảm lãi suất mục tiêu xuống 0,25% – mức từ năm 2008 đến năm 2015 – nếu tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 4,1% và giữ mức đó trong khoảng thời gian 3 tháng. Một kế hoạch minh bạch như vậy sẽ có một số lợi thế.
Một mặt, biện pháp này có thể có tác động tích cực ngay lập tức: Nếu các doanh nghiệp và hộ gia đình tin rằng Fed sẽ hành động phù hợp để duy trì việc mở rộng trong những năm tới, họ sẽ nhiều khả năng chi tiêu cho hiện tại.
Mặt khác, biện pháp đó sẽ giúp có một phản ứng mạnh mẽ và đầy sức thuyết phục nếu có dấu hiệu suy thoái. Có lẽ quan trọng nhất, hành động này sẽ dựa trên một thước đo kinh tế, thất nghiệp./.