Bắt theo xu hướng thị trường
Năm 2021, ngành dệt may Việt Nam đã vượt mặt Bangladesh và vươn lên vị trí xuất khẩu thứ 2 thế giới. Thế nhưng, vị trí này không giữ được lâu, từ 2022 đến nay Bangladesh đã vượt mặt và Việt Nam bị đẩy lùi trở lại xuống hạng 3. Có nhiều nguyên nhân, nhưng hầu hết các doanh nghiệp (DN), Hiệp hội Dệt may Việt Nam lẫn Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam đều thừa nhận chi phí sản xuất của Việt Nam cao hơn. Bên cạnh đó, việc đa số dự án dệt may tại Bangladesh đã kịp thời đạt được các chứng chỉ “xanh” toàn cầu như ESG (chỉ số môi trường, xã hội và quản trị) và đạt chuẩn LEED (định hướng thiết kế về năng lượng và môi trường) đã khiến cho ngành thời trang nước này trụ vững trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam (LEFASO), cho hay phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn là xu thế toàn cầu và trách nhiệm của mỗi DN. Liên minh Châu Âu (EU) đã đưa các tiêu chuẩn này vào luật Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Cơ chế này hiện chỉ mới áp dụng với các hàng hóa nhập khẩu có nguy cơ ô nhiễm cao như thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hydro; sau đó sẽ áp dụng mở rộng với các hàng hóa khác. Và thông thường sau khi EU thực hiện thì Mỹ và Nhật Bản cũng áp dụng. Đây đều là các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam nên bắt buộc DN phải thực hiện nếu muốn tiếp tục xuất hàng sang các thị trường lớn.
“Nhưng muốn chuyển đổi, cần phải có thời gian và chính sách của nhà nước vì đó là một vấn đề tổng thể, mang tính chính sách; ví dụ như năng lượng, lao động, tài nguyên… Hiện nay, kinh tế xanh và tuần hoàn là xu hướng tất yếu mang tính toàn cầu. Nó đòi hỏi chúng ta phải có những hành động thiết thực và phù hợp với xu hướng đó; nó không còn là khuyến khích mà đã mang tính bắt buộc. EU đã đưa vào luật. Hành động phù hợp với xu hướng đó chính là để bảo vệ lợi ích chính đáng cho dân tộc và sự phát triển của đất nước”, ông Diệp Thành Kiệt nói.
Theo chuyên trang Apparel Resources, Bangladesh hiện có số nhà máy đạt chứng nhận LEED cao nhất thế giới với 67 nhà máy. Đáng chú ý, Bangladesh rất chú trọng việc tuân thủ tiêu chuẩn trong những năm qua. Quốc gia này đã thành lập hai cơ quan giám sát là Hiệp định về Phòng cháy chữa cháy và An toàn xây dựng ở Bangladesh, cùng Liên minh vì An toàn lao động Bangladesh. Cả hai đơn vị này lần lượt có 1.600 và 666 nhà máy tham gia.
Đồng tình, ông Trần Như Tùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cũng cho rằng vấn đề lương, công nhân tại Việt Nam sẽ không thể thay đổi vì chỉ theo xu hướng tăng chứ không thể giảm. Như vậy để tăng sức cạnh tranh thì chỉ có con đường xây dựng nhà máy xanh, sạch theo yêu cầu của các đối tác cũng như thực hiện chuyển đổi số, gia tăng hiệu quả hoạt động hơn. Hầu như tất cả DN dệt may đều có ý thức về nhu cầu đạt chứng chỉ xanh cho nhà máy để đáp ứng quy định mới của nhiều thị trường. Tuy nhiên để thực hiện được không phải là dễ. Nhất là lượng DN quy mô nhỏ đang chiếm đa số trong ngành thì càng không có vốn để đầu tư.
Vì vậy, ông Tùng kiến nghị để tăng năng lực cạnh tranh của ngành vẫn cần sự chung tay hỗ trợ từ nhà nước. Chẳng hạn có thể xem xét đưa ra chương trình khuyến khích DN thực hiện như khi có chứng chỉ xanh toàn cầu thì sẽ được giảm thuế thu nhập DN từ 20%/năm xuống còn 18%/năm trong một thời gian. Hoặc nhà nước cần có chính sách áp dụng cho DN dệt may gói vay đầu tư với lãi suất ưu đãi hơn so với lãi suất vay thông thường trên thị trường.
Lợi ích cấp thiết của chính doanh nghiệp
Đối với nhiều DN lớn, quá trình thay đổi theo tiêu chí xanh đã từng bước được thực hiện. Ví dụ, Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết trong 2 năm qua đã bắt đầu phát triển các khu công nghiệp có đầu tư dệt nhuộm với tiêu chuẩn xanh nhằm khép kín chuỗi cung ứng. Hay lãnh đạo Công ty dệt may – đầu tư – thương mại Thành Công cũng cho biết đã và đang trích khoảng 10% lợi nhuận mỗi năm để đầu tư cho quá trình này cũng như chuyển đổi số…
Theo TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thuộc Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội), ngành dệt may và da giày đã đạt khá nhiều thành công trong giai đoạn trước và ngay cả trong lúc có dịch Covid-19. Nhưng từ các DN đến công ty có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đều có quy mô dự án đầu tư nhỏ, công nghệ cơ bản trung bình thấp. Ngay việc thay đổi đầu vào năng lượng cũng gặp nhiều vướng mắc khiến số lượng dự án chuyển dịch sang năng lượng tái tạo cũng bị hạn chế. Từ đó cả hai ngành này đều gặp khó khăn khi chuỗi thương mại toàn cầu có những đòi hỏi chứng minh việc sản xuất xanh, sử dụng năng lượng tái tạo.
Đó là chưa kể chi phí sản xuất tại Việt Nam ngày càng tăng, nhất là tương quan so sánh với các đối thủ cạnh tranh tương đồng trình độ phát triển trước đây. Từ đó, năng lực cạnh tranh ngành dệt may có dấu hiệu suy giảm, rõ nét nhất là không giữ được vị trí xuất khẩu thứ 2 trên thế giới. Nên cần phải có nghiên cứu chuyên sâu để nhận diện rõ các yếu tố hạn chế năng lực cạnh tranh và các yếu tố đẩy chi phí đầu vào tăng cao, từ đó mới có giải pháp tương ứng.
Ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhấn mạnh, chuyển đổi xanh để đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường thật sự không phải là điều gì đó quá mới mẻ với các DN Việt Nam. Trước đây, các thị trường đã có những yêu cầu về sản phẩm nhãn xanh, nhãn sinh thái rồi. Nhưng khi thị trường còn tốt nên áp lực chuyển đổi chưa lớn và nhận thức của các DN chưa thật đầy đủ. Bây giờ đứng trước khó khăn, các đòi hỏi của thị trường cũng mạnh và cao hơn. Các nước, đặc biệt là EU bắt đầu làm thật và đưa các tiêu chuẩn đó thành luật và có hệ thống giám sát cả chuỗi cung ứng. Như vậy vấn đề ở đây là nhận thức của chúng ta chưa đủ tốt để chuyển đổi cho kịp với thị trường. Có một số DN của Việt Nam cũng đã chuyển đổi tốt, theo kịp xu hướng phát triển; phần lớn DN còn lại phải nhanh chóng chuyển đổi.
Theo TS Võ Trí Thành, chuyển đổi xanh không còn là khẩu hiệu mà đã trở thành lợi ích thiết thân của DN. Chính vì vậy, giải pháp tốt và nhanh nhất là liên kết với các đối tác cung cấp dịch vụ để hỗ trợ cho chúng ta có thể dễ dàng và nhanh chóng đạt được các tiêu chuẩn của thị trường. Với sự phát triển của khoa học công nghệ và chuyển đổi số đang diễn ra rất nhanh, đây là lợi thế cũng là thách thức của quá trình chuyển đổi. Nếu DN có thể ứng dụng tốt các tiến bộ này sẽ giúp quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng hiện tại sang kinh tế xanh nhanh chóng hơn. Bên cạnh đó, để chuyển đổi thành công, vai trò của nhà nước cũng vô cùng quan trọng trong việc dẫn dắt, cung cấp thông tin cho thị trường, xây dựng các chính sách có liên quan.
Tại COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết Việt Nam phấn đấu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Thời gian qua, chính sách năng lượng, cụ thể là Quy hoạch điện 8 của Việt Nam, cũng đã chuyển đổi mạnh sang hướng ưu tiên phát triển xanh. Đây là những thay đổi về mặt chính sách quan trọng nhằm từng bước thúc đẩy và hỗ trợ tăng trưởng xanh của Việt Nam. Chúng ta vẫn cần thêm nhiều chính sách mang tính chuyển đổi tích cực như thế.t