Kiểm soát bóng là chưa đủ
Trận gặp đội tuyển Trung Quốc hôm 10.10 là cuộc so tài hiếm hoi trong 20 năm qua, mà đội tuyển Việt Nam cầm bóng áp đảo đối thủ. Với 63% thời lượng cầm bóng, thầy trò HLV Philippe Troussier có nhiều khoảng thời gian (nửa cuối hiệp 1 và 15 phút cuối hiệp 2) tràn cả đội hình sang phần sân đội tuyển Trung Quốc.
Thông số trên cho thấy hai khía cạnh. Trước tiên, đội tuyển Việt Nam đã thể hiện ý đồ kiểm soát bóng mà ông Troussier truyền tải.
“Bóng được luân chuyển xuất phát ở tuyến dưới một cách bài bản, từ từ, các cầu thủ di chuyển để thiết lập cự ly cho các pha phối hợp đoạn ngắn, nhằm đưa quả bóng len lỏi dần qua các lớp phòng ngự của đối thủ. HLV Troussier muốn toàn đội cầm bóng bình tĩnh và tự tin, kiểm soát bóng thật nhiều”, một thành viên đội tuyển chia sẻ với Thanh Niên.
Đội tuyển Trung Quốc đã đẩy cao đội hình gây áp lực trong nửa đầu hiệp 1, nhưng khi không thành công, chủ nhà lập tức dồn về phòng ngự. Quyền kiểm soát bóng do đội tuyển Việt Nam quản lý, nhưng lúc này khía cạnh thứ hai lộ ra: cầm bóng nhiều, song các học trò của HLV Troussier lại thiếu ý tưởng triển khai, gặp khó khi tịnh tiến bóng đến vòng cấm đối thủ.
Đội tuyển Việt Nam có 603 đường chuyền ở trận gặp đội tuyển Trung Quốc (503 đường chuyền thành công), gần gấp đôi đối thủ. Tuy nhiên, tổng số đường chuyền mở ra cơ hội của 5 cầu thủ tấn công Việt Nam (Hùng Dũng, Tuấn Anh, Hoàng Đức, Tuấn Hải, Văn Toàn) là 7.
Tức là trung bình mất gần 100 đường chuyền, đội tuyển Việt Nam mới có một đường chuyền mở ra cơ hội ghi bàn.
Các học trò của HLV Troussier cầm bóng nhiều, nhưng chủ yếu chuyền ngang, chuyền về. Những đường chuyền hướng vào vòng cấm đa số đơn giản, dễ bị đối thủ “đọc bài”. Đội tuyển Việt Nam chỉ kiểm soát bóng, mà chưa kiểm soát được nhịp chơi, chưa biết khi nào cần đá nhanh, gây áp lực dồn dập, khi nào cần đá chậm lại, dụ đối thủ đẩy đội hình lên cao.
Việc tuyến giữa thiếu ăn ý, hai biên chưa thể xuyên phá hay tiền đạo phối hợp chưa nhuyễn,… chỉ là bề nổi. Đội tuyển Việt Nam đang trong quá trình định hình phong cách, cá tính chơi bóng mới.
Lối chơi kiểm soát đòi hỏi từng cầu thủ phải rất ăn ý, hiểu cách di chuyển, phối hợp và thói quen thi đấu của nhau. Với nhiều cầu thủ trẻ lần đầu được trao cơ hội, đội tuyển Việt Nam xáo trộn khá lớn về nhân sự, do đó việc thiếu liền mạch trong lối chơi là dễ hiểu.
Thay đổi của HLV Troussier
Vấn đề của ông Troussier cùng học trò là cần thêm thời gian để hiểu lối chơi, nhưng cũng cần điều chỉnh linh hoạt. Việc rèn thêm những đòn “kết liễu” đối thủ như tình huống cố định, chuyền vượt tuyến là cần thiết để giải quyết những trận đấu bế tắc.
Cầm bóng nhiều nhưng không hiệu quả, đó lại là “con dao hai lưỡi”, bởi khiến cầu thủ dễ rơi vào bẫy tâm lý, rơi vào thế trận phản công của đối thủ. Đội tuyển Trung Quốc chỉ cần những pha bóng đơn giản, khai thác tối đa sai lầm hàng thủ Việt Nam để ghi bàn. Đó là bài học cho cầu thủ, bởi ở sân chơi đỉnh cao châu Á, mọi sai sót đều đổi lấy cái giá rất đắt.
Những tình huống mở ra cơ hội cho đội tuyển Việt Nam ở trận này thực tế lại đến từ những pha tấn công nhanh, không rườm rà. Văn Toàn đã đối mặt thủ môn Yan Juling của Trung Quốc sau pha chuyền dài từ hàng thủ, Tuấn Hải, Hùng Dũng có cơ hội dứt điểm cũng từ những tình huống đoạt bóng và tổ chức tấn công nhanh ở phần sân đối thủ.
Đá rình rập, bất ngờ tung đòn chớp nhoáng vẫn là tư duy quen thuộc của nhiều cầu thủ sau 5 năm rèn giũa dưới thời HLV Park Hang-seo, cũng như khi chơi ở V-League. Bao nhiêu đội V-League hiện nay có thể đá kiểm soát bóng nhuần nhuyễn, giúp cầu thủ phát triển kỹ năng phục vụ lối chơi này như ông Troussier mong muốn?
HLV Troussier đòi hỏi sự chủ động và tự tin, đây là yếu tố chỉ có thể hình thành qua tập luyện, thi đấu (và cả sự kiên định dù phải nhận thất bại). Đội tuyển Việt Nam sẽ tiếp tục chơi kiểm soát, nhưng cần hài hòa việc cầm bóng nhiều với tổ chức những pha tấn công nhanh như đã làm được trước đội tuyển Trung Quốc.
Nếu cứ kiểm soát bóng “đều đều” như một cỗ máy, đội tuyển Việt Nam khó tạo ra bước đột phá.