Nhiều trao đổi thú vị giữa sinh viên và đại diện doanh nghiệp trong tọa đàm “Cơ hội việc làm trong lĩnh vực giao thông thông minh-hiện đại” do Báo Thanh Niên phối hợp với Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM tổ chức sáng nay (22.6).
Có tới 80% doanh nghiệp tuyển dụng người lao động không có kinh nghiệm
Đặt câu hỏi trực tiếp tại tọa đàm, sinh viên N.T.Vy (ngành kỹ thuật công trình giao thông Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM), băn khoăn: “Gen Z khao khát trải nghiệm, mong muốn được đi thực tập sớm. Nhưng sáng nay, khảo sát các doanh nghiệp trong ngày hội việc làm hầu hết không có đơn vị nào chấp nhận sinh viên năm nhất như em đến thực tập…”. Sinh viên này băn khoăn vì sao khi tuyển dụng doanh nghiệp ưu tiên người có kinh nghiệm nhưng lại không tiếp nhận sinh viên đến thực tập ngay từ năm nhất, trong khi các bạn cũng mong muốn có trải nghiệm tại doanh nghiệp sớm nhất có thể.
Giải đáp băn khoăn của sinh viên, tiến sĩ Phan Hữu Duy Quốc, thành viên Hội đồng quản trị, Tổng công ty xây dựng số 1-CTCP, cho rằng thực tập là quá trình hỗ trợ lẫn nhau giữa sinh viên và doanh nghiệp. Để hoạt động này thực sự hiệu quả cho cả hai, tốt nhất sinh viên cần có kiến thức nền trước khi thực tập, không nên trở thành “gánh nặng” cho doanh nghiệp. Ông Quốc cho rằng sinh viên không nên “vội”, thay vào đó hãy tập trung vào việc học tập kiến thức trong 1-2 năm đầu.
Liên quan vấn đề kinh nghiệm làm việc, bà Nguyễn Thị Triều, Trưởng phòng Dự báo-Cơ sở dữ liệu, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, cho biết kết quả khảo sát của đơn vị này cho thấy có tới 80% doanh nghiệp tuyển dụng người lao động không có kinh nghiệm và kinh nghiệm dưới 1 năm. Hơn nữa, kết quả khảo sát cũng chỉ ra hiện nay nguồn cung lao động có tới 70% sinh viên mới tốt nghiệp ra trường.
“Sự dịch chuyển lao động giữa vị trí việc làm này qua vị trí khác chỉ chiếm tỷ lệ thấp, điều này là điểm sáng về cơ hội việc làm cho sinh viên mới ra trường”, bà Triều thông tin thêm.
“Một điểm xấu trong CV khi đi xin việc”
Thông tin thêm với sinh viên tại buổi tọa đàm, bà Nguyễn Thị Triều cho biết bình quân mỗi năm TP.HCM cần từ 310.000-330.000 chỗ làm việc, trong đó riêng lĩnh vực vận tải kho bãi cần 15.000-18.000, CNTT-truyền thông 20.000-25.000 chỗ làm việc mỗi năm. Quá trình khảo sát với nhóm sinh viên mới ra trường cũng cho thấy yêu cầu của doanh nghiệp về kỹ năng và thái độ làm việc rất lớn. Trong đó, khối ngành kỹ thuật mà đặc biệt giao thông vận tải, một số kỹ năng người lao động cần có như: xử lý vấn đề, giải quyết vấn đề, làm việc nhóm, thái độ làm việc, việc ứng dụng công nghệ gắn với ngành học. Đặc biệt, kỹ năng ngoại ngữ được doanh nghiệp đánh giá cao nhất trong tất cả các ngành nghề.
Nói về sự cần thiết của kỹ năng ngoại ngữ, trong phần chia sẻ của mình tiến sĩ Phan Hữu Duy Quốc, cho hay tại nhiều doanh nghiệp hiện nay người có ngoại ngữ tốt có thể nhận được mức thu nhập cao gấp đôi người không có kỹ năng này.
Nói thêm về các kỹ năng cần trang bị trước khi đi làm, tiến sĩ Phan Hữu Duy Quốc, phân tích: “Với chủ trương chuyển đổi số hiện nay, công việc truyền thống nhưng cách làm sẽ khác theo ứng dụng chuyển đổi số. Do đó, một kỹ năng quan trọng hiện nay người trẻ cần có là sử dụng công cụ số”.
Nhìn nhận về lực lượng lao động trẻ, ông Quốc cho rằng ở họ có nhiều điểm mạnh như: sự nhạy bén, tiếp cận vấn đề nhanh, có sự tìm hiểu về công cụ số… Nhưng ngược lại, sự kiên nhẫn của người trẻ hiện nay là khá yếu. Xu hướng được nhìn thấy nhiều là sinh viên ra trường đi làm mấy tháng nhưng vì nhiều yếu tố lại không đủ kiên nhẫn lại đổi việc. Ông Quốc nhìn nhận: “Nhảy việc qua nhiều công ty trong thời gian ngắn là một điểm xấu trong CV khi đi xin việc”. Ông Quốc hài hước: “Phải chăng thế hệ các bạn là thế hệ lướt, lướt Facebook, lướt TikTok… phải hấp dẫn các bạn trong vài giây đầu tiên nếu không các bạn sẽ lướt và đi làm các bạn cũng lướt vì không kiên nhẫn…”.
Bằng kinh nghiệm bản thân, ông Quốc cho rằng người trẻ cần tăng cường luyện tập thể thao. “Cần có những khoảng thời gian trong ngày rời xa điện thoại, mạng xã hội. Việc bớt tập trung vào đó sẽ giúp các bạn rèn luyện sự kiên trì, kiên nhẫn và chuyên nghiệp trong công việc”, ông Quốc đưa ra lời khuyên.
Cũng trong tọa đàm, một sinh viên ngành logistics bày tỏ lo ngại việc không quá rành về công nghệ sẽ ảnh hưởng đến cơ hội việc làm ra sao. Từ việc chia sẻ quá trình học học công nghệ của bản thân, PGS-TS Nguyễn Xuân Phương, Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cho rằng sinh viên đừng ngại khi chưa tiếp cận được công nghệ. “Các em bây giờ còn hơn nhiều thế hệ trước đó khi sử dụng thành thục máy tính, điện thoại. Vì vậy phải tiếp tục học thêm và điều đó là bắt buộc, đặc biệt sinh viên ngành logistics, hàng hải… là lĩnh vực luôn đi trước”, PGS Phương chia sẻ.
Nguồn: https://thanhnien.vn/vi-sao-doanh-nghiep-khong-tiep-nhan-sinh-vien-nam-nhat-thuc-tap-185240622165654705.htm