Tính đến hết ngày thi đấu áp chót, đoàn thể thao Việt Nam xếp hạng 21 trên bảng tổng sắp huy chương. Thành tích của các vận động viên Việt Nam là 3 huy chương vàng, 5 huy chương bạc, 19 huy chương đồng.
Thể thao Việt Nam hoàn thành chỉ tiêu (2-5 HCV) tại ASIAD 19. Tuy nhiên, vị trí thứ 21 chung cuộc với vỏn vẹn 27 huy chương các loại (ít hơn 13 đoàn khác), trong đó chỉ có 3 huy chương vàng rõ ràng không phải thành tích cao.
Không phải số 1 Đông Nam Á
Đoàn thể thao Việt Nam đứng đầu bảng tổng sắp huy chương 2 kỳ SEA Games liên tiếp và bỏ xa các đối thủ. Tuy nhiên, thành tích đó chưa đủ khẳng định vị thế số 1 Đông Nam Á. Khi bước ra đấu trường ASIAD, thể thao Việt Nam tụt lại phía sau một khoảng không nhỏ so với bạn bè trong khu vực.
Tính đến hết ngày thi đấu áp chót (7/10), đoàn Việt Nam xếp sau Thái Lan (12 huy chương vàng), Indonesia (7 HCV), Malaysia (6 HCV), Philippines (4 HCV) và Singapore (3 HCV). Kể cả khi đội tuyển karate giành HCV nội dung kata đồng đội trong ngày bế mạc, đoàn Việt Nam cùng lắm cũng chỉ vượt được Philippines và Singapore, vẫn bị Thái Lan, Indonesia và Malaysia bỏ xa về số HCV cũng như tổng số huy chương.
Đoàn Việt Nam thua về số lượng, cũng thua cả chất lượng những tấm huy chương. Trong 3 huy chương vàng của các vận động viên Việt Nam, chỉ có bắn súng là môn thể thao Olympic. Chiến thắng của xạ thủ Phạm Quang Huy trên thực tế cũng là ngoài dự kiến, bởi đội tuyển Việt Nam ban đầu kỳ vọng vào Trịnh Thu Vinh và Hà Minh Thành.
Thể thao Việt Nam đứng đầu SEA Games ở các môn điền kinh và bơi – thành tích đáng tự hào bởi đây là 2 môn thể thao quan trọng bậc nhất trong hệ thống Olympic. Tuy nhiên, đa số những nhà vô địch SEA Games của chúng ta ở 2 môn này đều chưa thể vươn tới tầm châu lục. Tại ASIAD 19, đoàn Việt Nam không có huy chương điền kinh, còn môn bơi cũng chỉ có tấm huy chương đồng của Nguyễn Huy Hoàng.
Thể thao Thái Lan, Singapore, Indonesia… ít huy chương SEA Games hơn so với Việt Nam. Tuy nhiên trong số những thế mạnh của mình, họ lại sở hữu những vận động viên đẳng cấp châu lục, thậm chí thế giới.
Những đặc điểm về số lượng và sự phân bổ huy chương ở SEA Games, ASIAD cho thấy thể thao Việt Nam có xu hướng dàn trải nhưng thiếu “mũi nhọn”, trong khi các nước khác có sự tập trung, có trọng tâm hơn. Đây cũng là một trong những lí do giải thích cho việc đoàn Việt Nam tụt lại phía sau so với nhiều đoàn Đông Nam Á khi bước ra đấu trường ASIAD.
Vì sao thể thao Việt Nam chưa thành công ở ASIAD
Đoàn thể thao Việt Nam có những trường hợp thất bại đáng tiếc, như Nguyễn Thị Thật vừa vô địch châu Á nhưng gặp chấn thương. Tương tự, Nguyễn Thị Tâm cũng vừa bình phục và khi bốc thăm lại gặp ngay đối thủ mạnh nhất. Ở môn cờ tướng, các kỳ thủ Việt Nam vẫn có sự thua kém nhất định so với đại diện của chủ nhà Trung Quốc – nơi sản sinh ra môn cờ này.
Tuy nhiên, câu chuyện của một số trường hợp cá biệt không phải lí do chính giải thích cho việc thể thao Việt Nam sau rất nhiều năm vẫn chỉ là “tay mơ” ở ASIAD, chưa nói đến Olympic. Theo Cục trưởng Cục Thể dục thể thao Đặng Hà Việt – Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại ASIAD 19, vấn đề này có liên quan mật thiết đến yếu tố kinh tế.
“ASIAD và Olympic là đỉnh cao thể thao, là đại hội tầm cỡ lớn, phải đầu tư để đạt được thành tích. Thành tích của thể thao – đối với các nhà lí luận – là sự cạnh tranh của nền kinh tế. Ở ASIAD, 3 nước đứng đàu là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng là 3 nền kinh tế lớn ở châu Á. Nền kinh tế giải quyết được nhiều vấn đề liên quan đến đầu tư, giúp vận động viên có khả năng đạt thành tích”, Cục trưởng Đặng Hà Việt phân tích.
Rõ ràng bảng thành tích SEA Games chưa phản ánh đúng vị thế thực sự của thể thao Việt Nam trên trường quốc tế. Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Singapore vẫn là những nền thể thao đi trước, bền vững hơn và có thế mạnh.
Thực tế, thể thao Việt Nam bây giờ mới ở giai đoạn đầu tiên của quá trình chuyển hướng sang ASIAD, Olympic sau nhiều năm thực hiện chiến lược “đi tắt đón đầu” để vươn lên tốp 3 ở SEA Games. Sự chuyển dịch này diễn ra đồng loạt, chưa có trọng tâm. Thể thao Việt Nam chưa có môn thế mạnh ở tầm châu Á, thế giới. Để có được một vài cá nhân riêng lẻ, chưa nói đến tạo thành hệ thống, đòi hỏi nhiều thời gian và vấn đề quan trọng nhất là sự đầu tư.
“Mất nhiều thời gian để đào tạo một vận động viên đến khi đạt thành tích cấp độ quốc gia, phải mất 10 năm, rồi từ hàng nghìn người, mới có một người vô địch. Trong quá trình đó, sự đào thải rất lớn và cũng tiêu tốn nhiều kinh phí.
Ngoài ra còn là vấn đề khoa học huấn luyện, đội ngũ nhân lực không chỉ là huấn luyện viên mà còn là những nhân sự giải quyết các bài toán hồi phục, vận động, dinh dưỡng, thống kê. Đến giờ chúng ta chưa có đủ. Chúng ta chưa đủ khả năng làm điều đó. Để đạt được thành tích cao, cần có sự quan tâm hơn để phát triển thể thao”, Cục trưởng Đặng Hà Việt chia sẻ.
Xuân Phương