Trong khi một số người dường như luôn là mục tiêu tấn công của muỗi, thì những người khác lại bị muỗi “chê”, theo tờ Express.
Tuy nhiên, các nhà khoa học hiện đã giải đáp được lý do tại sao một số người hay bị loài vo ve này quấy rầy trong khi những người khác thì ít bị.
Theo nghiên cứu mới, được công bố trên tạp chí khoa học Current Biology hôm 19.5, nách có mùi có thể giúp muỗi đánh hơi thấy và tìm đến.
Những con côn trùng nhỏ bị thu hút bởi mùi cơ thể, chúng có thể ngửi thấy mùi này từ khoảng cách 106 mét.
Nghiên cứu mới của Đại học Johns Hopkins (Mỹ) đã theo dõi loài muỗi sốt rét châu Phi, Anopheles gambiae, được thả trong một không gian ngoài trời có kích thước bằng sân trượt băng ở Zambia.
Tác giả đầu tiên của nghiên cứu, tiến sĩ Diego Giraldo, nhà khoa học sau tiến sĩ của Đại học Johns Hopkins, cho biết: Đây là hệ thống lớn nhất để đánh giá sở thích khứu giác đối với bất kỳ loài muỗi nào trên thế giới. Và đó là một môi trường giác quan vô cùng nhạy đối với muỗi.
Nhóm nghiên cứu đã thả 200 con muỗi đói mỗi đêm để quan sát tần suất chúng đậu xuống các miếng đệm cách đều nhau được làm nóng đến 35 độ C, mô phỏng da con người.
Các nhà nghiên cứu đã xác định được 40 chất hóa học do tất cả mọi người thải ra, ở các mức độ khác nhau.
Sau đó, họ đã phát hiện ra rằng những người làm mồi cho muỗi nhiều nhất là những người có hàm lượng axit cacboxylic cao hơn. Các axit này giúp tạo ra mùi cơ thể đặc biệt khi các chất này tương tác với vi khuẩn trong cơ thể.
Kết quả cho thấy mùi cơ thể hóa ra là mồi nhử hấp dẫn nhất đối với muỗi. Người có mùi đặc biệt này hấp dẫn muỗi gấp 100 lần người khác, theo Express.
Ngược lại, muỗi có vẻ “ngán” mùi tinh dầu khuynh diệp eucalyptol.
Trong thử nghiệm tiếp theo, người hướng dẫn nghiên cứu, tiến sĩ Conor McMeniman, cho biết: Những con muỗi này thường săn mồi trong vài giờ trước và sau nửa đêm. Chúng lần theo dấu vết của mùi và hơi ấm phát ra từ con người, và thông thường chúng sẽ vào nhà và cắn người trong khoảng từ 10 giờ tối đến 2 giờ sáng, theo Express.