Tiếng Anh không còn nằm trong danh sách 2 môn thi bắt buộc, mà học sinh có thể tự chọn cho kỳ thi tốt nghiệp phổ thông bắt đầu từ năm 2025. Nhưng dù tự chọn hay bắt buộc, học sinh vẫn phải coi tiếng Anh như là một môn thi bắt buộc để học cho tốt…
Tiếng Anh không còn là môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. |
Thực ra giữ hay bỏ bắt buộc thi môn tiếng Anh là một vấn đề rất hệ trọng đối với sự phát triển của đất nước, cần phải suy nghĩ thấu đáo. Giữ tiếng Anh có làm mất đi bản sắc dân tộc không? Nhưng bỏ thi tiếng Anh có thể làm yếu đi một công cụ để hội nhập. Quyết định bỏ bắt buộc thi tiếng Anh là một bước thụt lùi trở về thời kỳ cách đây hàng chục năm, khi mà giáo dục không gắn với mục tiêu phát triển nguồn nhân lực.
Nhưng nay Đảng ta đã xác định một trong 3 đột phá chiến lược là phát triển nguồn nhân lực nhằm phục vụ cho công cuộc hội nhập mà chúng ta vẫn phải tiếp tục đẩy mạnh vì còn rất nhiều hạn chế. Cho đến bây giờ khi phổ cập tiếng Anh rồi mà nhiều doanh nghiệp Việt sợ không dám đi ra nước ngoài chỉ vì không biết tiếng Anh. Ngồi chờ doanh nghiệp nước ngoài đến, nhưng họ nói cũng chẳng hiểu gì. Họ vẫn coi bất đồng ngôn ngữ là một trong những rào cản chưa được khắc phục khi kinh doanh tại Việt Nam.
Nói gì thì nói bỏ bắt buộc thi tiếng Anh là một biểu hiện của sự coi nhẹ tiếng Anh. Trong thời gian qua trong khi nhà nước chưa có điều kiện đầu tư nhiều vào việc dạy tiếng Anh, thì nhờ biện pháp cơ bản là bắt buộc thi tiếng Anh đã khiến mặt bằng tiếng Anh của người Việt tăng lên. Giờ bỏ đi thì thầy cô cũng không cần dạy giỏi, học sinh cũng chẳng cần cố gắng học. Ai dám chắc để cho học sinh tự giác học sẽ cho một kết quả như khi chưa bỏ thi tiếng Anh?
Tiếng Anh quan trọng trực tiếp đối với hội nhập và phát triển là điều ai cũng biết. Chính vì vậy phổ cập tiếng Anh là quyết sách ở cấp cao nhất tại nhiều nước. Ông Lý Quang Diệu coi quyết định quan trọng nhất trong đời ông là lấy tiếng Anh làm ngôn ngữ chính của Singapore. Tại Ấn Độ, tiếng Anh là môn bắt buộc trong trường học và là ngôn ngữ hành chính của đất nước. Sinh viên Hàn Quốc học Đại học bằng giáo trình tiếng Anh, đa số các Đại học ở Thái Lan học bằng tiếng Anh. Hầu hết người dân Châu Âu đều nói được tiếng Anh bên cạnh tiếng mẹ đẻ. Hà Lan coi tiếng Anh là vấn đề sống còn của đất nước. Ở Châu Á, chưa thấy nước nào dám coi nhẹ tiếng Anh và những nước nào dùng tiếng Anh trong trường học cũng đều là những nước phát triển. Malaysia sau sai lầm bỏ bê tiếng Anh do chủ nghĩa dân tộc, trẻ con nói tiếng Anh loạc choạc nên đã phải sửa sai. Hiện tại trình độ tiếng Anh của người Việt vẫn còn thua kém các nước Đông Nam Á.
Thiết nghĩ, thời điểm hiện nay Việt Nam không những chưa nên bỏ bắt buộc thi tiếng Anh mà còn phải có những biện pháp quyết liệt hơn nữa, đầu tư mạnh cho việc đào tạo đội ngũ giáo viên dạy tiếng Anh.