Cung vượt cầu, chăn nuôi thua lỗ
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Đáng, hộ chăn nuôi ở huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, than thở: “Hơn nửa năm nay, giá gia cầm như lao dốc không phanh, xuống dưới giá thành sản xuất khiến gia đình tôi thua lỗ nặng. Thật không ngờ, vì nuôi gà mà lại có thể “ăn” cả sổ đỏ đất đai của chúng tôi nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài”.
Tình hình bi đát đến mức ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam, khi trò chuyện với chúng tôi đã cho rằng, chưa bao giờ ngành chăn nuôi, trong đó có chăn nuôi gia cầm gặp khó khăn như hiện nay. Trung bình mỗi ki-lô-gam gia cầm (chủ yếu là gà công nghiệp), người chăn nuôi lỗ 6.000-8.000 đồng. Ví dụ gà ta, gà ta lai (nuôi công nghiệp) từ năm 2022 cho đến nay, giá thành sản xuất khoảng 58.000 đồng/kg, trong khi giá bán chỉ được 50.000-52.000 đồng/kg. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của các ngành kinh tế đã gây ảnh hưởng đến tổng cầu của ngành chăn nuôi ngay tại thị trường nội địa.
Theo ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Việt Nam là một trong những nước có tổng đàn gia cầm lớn nhất thế giới. Giai đoạn 2018-2022, đàn gia cầm tăng nhanh, từ 435,9 triệu con lên 557,3 triệu con. Tốc độ tăng trưởng bình quân là 6,3%/năm. Trong quý I-2023, đàn gia cầm ước khoảng 551,4 triệu con, tăng 2,4%; sản lượng thịt gia cầm ước đạt 563,2 nghìn tấn, tăng 4,2%; trứng ước đạt 4,7 tỷ quả, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Lý giải về nguồn cung gia cầm tăng nhanh trong 5 năm qua, ông Tống Xuân Chinh cho hay, sau khi dịch tả lợn châu Phi xảy ra, đã có chỉ đạo điều hành sản xuất chuyển dịch từ chăn nuôi lợn sang chăn nuôi gia cầm. Một yếu tố nữa là vòng quay của chăn nuôi gia cầm rất nhanh, đối với con gà lông màu là 5-5,5 vòng chăn nuôi/năm. Do nhu cầu sản xuất chăn nuôi gia cầm tăng nhanh nên chỉ tính riêng năm 2022, Việt Nam nhập khẩu tới 3,4 triệu con gia cầm bố mẹ (vượt so với mọi năm chỉ khoảng 2 triệu con). Tuy nhiên, cũng trong năm 2022, nhu cầu sản phẩm gia cầm thương phẩm của người tiêu dùng giảm. Chính vì thế đã làm cho người chăn nuôi gặp khó khăn.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Thanh Sơn dẫn chứng: Trong 5 năm qua, số đầu con gia cầm tăng 17%, sản lượng thịt tăng 8,7%, sản lượng trứng tăng 6,9% nhưng tỷ suất lợi nhuận chăn nuôi gia cầm ngày càng giảm. Trong khi đó, chúng ta vẫn nhập khẩu sản phẩm gia cầm, chỉ tính riêng năm 2022, lượng nhập khẩu chính ngạch là 245.000 tấn. Bên cạnh đó, một lượng không nhỏ gà sống nhập lậu, nhập tiểu ngạch vào nước ta. Tỷ lệ thịt gà nhập khẩu vào nước ta ước tính chiếm 20-25% so với tổng sản lượng thịt gia cầm tiêu thụ trong nước.
Cùng với thực trạng trên, thời gian qua, chăn nuôi gặp khó khăn do giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, vật tư đầu vào liên tục tăng khiến giá thành sản phẩm chăn nuôi cũng vì thế tăng theo. Cùng với đó, dịch Covid-19 và lạm phát khiến cầu trong nước yếu, tiêu thụ sản phẩm gia cầm luôn trong tình trạng bấp bênh. Những khó khăn này khiến người chăn nuôi, đặc biệt là người chăn nuôi nhỏ lẻ đang đối mặt với nguy cơ bị loại dần khỏi “cuộc chơi” ngay trên “sân nhà”.
Khó khăn không chỉ xuất hiện từ yếu tố khách quan mà những yếu tố chủ quan trong ngành chăn nuôi nói chung, chăn nuôi gia cầm nói riêng vẫn bộc lộ hàng loạt bấp cập. Chẳng hạn việc tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết, gắn với thị trường tiêu thụ còn hạn chế; thực hiện quy trình chăn nuôi bảo đảm an toàn sinh học, đặc biệt là việc xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh vẫn chậm. Số vùng, cơ sở chăn nuôi được cấp chứng nhận an toàn dịch bệnh vẫn còn ít. Chính lý do này khiến việc xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi bị vướng rào cản kỹ thuật, khó xuất khẩu.
Giải pháp cứu chăn nuôi gia cầm
Trước tình thế khó khăn của chăn nuôi hiện nay, ông Tống Xuân Chinh cho rằng một giải pháp có thể làm được trước mắt chính là tăng cường phối hợp, hợp tác, liên kết sản xuất nội khối: Người sản xuất giống, sản xuất thức ăn chăn nuôi, người chăn nuôi, thú y, giết mổ, chế biến, phân phối, lưu thông… hợp tác với nhau dưới sự chỉ đạo của hiệp hội, thông qua đó có thể giảm ít nhất 10% giá thành đầu vào, giải quyết yếu tố đầu ra.
Về giải pháp cứu ngành chăn nuôi gia cầm, theo ông Nguyễn Thanh Sơn: Chính phủ nên xem xét tiếp tục giảm, giãn thuế thu nhập doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi trong vòng 2-3 năm tới để họ có thể gượng dậy, có vốn phục hồi sản xuất. Giải pháp nữa rất quan trọng chính là việc chuẩn hóa lại số liệu thống kê. Bởi số liệu thống kê trong chăn nuôi gia cầm hiện nay dường như chưa thực sự phù hợp với thực tiễn. Việc thiếu số liệu thống kê chính xác gây ra hệ lụy là chúng ta không có căn cứ đáng tin cậy để hoạch định chính sách cho phát triển ngành hàng này. Cùng với đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng giống, thức ăn chăn nuôi. Hiện nay, do giá thành thức ăn chăn nuôi đang ở mức cao nên rất nhiều doanh nghiệp để cạnh tranh đã phải giảm giá bán thức ăn chăn nuôi bằng cách giảm chất lượng. Thêm vào đó, tình trạng loạn sản xuất giống, người người, nhà nhà làm giống càng khiến việc kiểm soát chất lượng giống khó khăn hơn, gây rủi ro cho người chăn nuôi.
NGUYỄN KIỂM