Bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe, bạn đọc còn có thể xem thêm các bài viết: Làm sao để biết trứng đã hỏng?; 4 nguyên nhân gây mất ngủ có thể bạn chưa biết; Bác sĩ chia sẻ các biến chứng thường gặp sau đột quỵ…
Lợi ích tuyệt vời của cải xoong
Các vitamin, khoáng chất cùng các chất chống oxy hóa có trong cải xoong giúp tăng cường hệ miễn dịch, giảm nguy cơ phát triển ung thư, cải thiện sức khỏe tim mạch…
Theo bác sĩ dinh dưỡng Nguyễn Thu Hà, Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn (TP.HCM), cải xoong có rất nhiều ở Việt Nam và được sử dụng thường xuyên vì công dụng tốt cho sức khỏe. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, cải xoong giúp tái tạo các tế bào bị hư hỏng, phòng bệnh ung thư và rất giàu vitamin C. Đặc biệt, loại rau này rất giàu folate, một loại vitamin B được biết đến với vai trò trong chức năng não, cải xoong có thể góp phần cải thiện sức khỏe nhận thức, tăng cường trí nhớ và hỗ trợ kiểm soát căng thẳng.
Theo Bảng thành phần thực phẩm Việt Nam (Bộ Y tế), 100 g cải xoong chứa 22 kcal năng lượng, trong đó 2,1 g protein, 0,07 g lipid, 3,33 g carbohydrate, 2 g chất xơ và một số vitamin khoáng chất quan trọng như 235 mcg vitamin A, 250 mcg vitamin K, 25 mg vitamin C, 9 mcg folate, 211 mg kali, 2 g chất xơ.
Cải xoong chứa vitamin A đóng vai trò quan trọng cho sức khỏe mắt, tốt cho sự phát triển xương và răng, hỗ trợ hệ miễn dịch và chống oxy hóa. Vitamin K giúp hoạt hóa các yếu tố trong quá trình đông máu và tham gia tổng hợp protein, giúp xương chắc khỏe.
Folate trong cải xoong có vai trò quan trọng trong quá trình tạo máu và hệ thần kinh như phòng chống đột quỵ, bệnh mạch máu, thoái hóa điểm vàng ở mắt, phòng chống Alzheimer và ngăn ngừa dị tật ống thần kinh ở trẻ trong quá trình mang thai. Bạn đọc có thể xem thêm nội dung bài viết này trên trang sức khỏe ngày 6.9.
Làm sao để biết trứng đã hỏng?
Trứng bổ dưỡng và là món ăn tiện lợi, ưa thích của nhiều người. Nhưng nếu không may ăn phải những quả trứng hỏng thì có thể gây ngộ độc thực phẩm. Khi thấy trứng có dấu hiệu không an toàn thì mọi người cần bỏ ngay lập tức.
Trứng có thời gian sử dụng ít nhất là 1 tháng sau khi đóng gói. Tuy nhiên, do điều kiện bảo quản, vận chuyển và một số yếu tố khác mà trứng có thể sớm bị hư.
Để biết trứng có còn an toàn để ăn hay không, các chuyên gia khuyến cáo những cách sau:
Kiểm tra hạn sử dụng. Khi mua trứng, mọi người cần chú ý ngày đóng gói được in trên hộp trứng. Đó là ngày trứng được đóng vào hộp và mang đi phân phối. Nếu được bảo quản tốt, trứng có thể ăn được trong vòng 4 đến 5 tuần sau ngày đóng gói.
Nếu bạn không thể xác định được ngày đóng hộp của trứng, chẳng hạn trứng mua ngoài chợ hay các cửa hàng tạp hóa mà không có hộp, thì hãy ăn hết trứng trong vòng 3 tuần kể từ ngày mua. Nếu không ăn kịp thì trễ nhất là 5 tuần, sau khoảng thời gian này thì không nên ăn.
Kiểm tra độ nổi. Vỏ trứng xốp nên không khí có thể dễ dàng đi xuyên qua và thâm nhập vào bên trong. Điều này có nghĩa là trứng càng cũ thì càng có nhiều không khí bên trong. Sau nhiều ngày, trứng tích tụ đủ không khí thì sẽ nổi lên khi thả trong nước. Nội dung tiếp theo của bài viết này sẽ có trên trang sức khỏe ngày 6.9.
4 nguyên nhân gây mất ngủ có thể bạn chưa biết
Mất ngủ là một loại rối loạn giấc ngủ với 3 đặc điểm chính là khó đi vào giấc ngủ, không thể ngủ được và giật mình nửa đêm thì khó ngủ lại.
Nếu mất ngủ kéo dài dưới 1 tháng thì được xem là mất ngủ ngắn hạn. Nếu mất ngủ kéo dài trên 1 tháng thì là mất ngủ mạn tính. Mất ngủ có thể là hệ quả của các vấn đề sức khỏe sau:
Hen suyễn. Hen suyễn sẽ khiến đường hô hấp người bệnh bị thu hẹp, dẫn đến khó thở. Các triệu chứng thường gặp khác của hen suyễn là thở khò khè, tức ngực và ho. Người bệnh thường ho nhiều vào ban đêm và đây chính là nguyên nhân dẫn đến mất ngủ.
Trầm cảm. Trầm cảm là rối loạn tâm lý mà người bệnh phải có ít nhất 1 trong 2 triệu chứng là trầm buồn và mất hứng thú với các hoạt động yêu thích trước đây. Các triệu chứng này phải kéo dài ít nhất 2 tuần và ảnh hưởng đến các hoạt động khác như học tập, làm việc.
Người bị trầm cảm có thể ngủ quá nhiều hoặc mất ngủ. Để cải thiện giấc ngủ, những người bị trầm cảm cần đến gặp bác sĩ tâm thần kiểm tra. Hãy bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe để xem thêm nội dung bài viết này bạn nhé!