Aeon Mall chính thức đặt chân vào thị trường Việt Nam từ năm 2014 với trung tâm thương mại Aeon Mall Celadon Tân Phú (TP Hồ Chí Minh). Đến nay, tập đoàn này đã mở rộng lên 7 trung tâm tại nhiều tỉnh thành trong cả nước. Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2021 – 2030 tập đoàn này sẽ đầu tư 10 trung tâm thương mại lớn tại Việt Nam.
Vì sao Aeon Mall Việt Nam rút lui?
Năm 2019, Aeon Mall Việt Nam đề xuất với lãnh đạo TP Hà Nội triển khai dự án bãi đỗ xe kết hợp trung tâm thương mại của cùng 2 đơn vị là Công ty cổ phần Xuân Nam Việt Nam, Công ty TNHH Cơ khí chế tạo và dịch vụ tổng hợp 27-7. Nối tiếp sự thành công của 2 dự án Aeon Mall Long Biên và Aeon Mall Hà Đông, Aeon Mall Giáp Bát Hoàng Mai được coi là dự án đại siêu thị kết hợp bãi đỗ xe tiếp theo của chủ đầu tư – Tập đoàn Aeon tại Việt Nam.
Ngày 2/2/2023, UBND TP Hà Nội đã chính thức phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 trung tâm thương mại Aeon Mall Hoàng Mai Giáp Bát và bãi đỗ xe. Dự án có diện tích quy hoạch khoảng 8,03ha, trong đó diện tích đất đường giao thông thành phố là 1,97ha; còn lại diện tích đất nghiên cứu dự án là 6,06ha.
Mục đích của dự án nhằm hình thành mô hình xây dựng bãi đỗ xe kết hợp chức năng trung tâm thương mại, văn phòng và nhà kho hiện đại, kết nối đồng bộ, khoa học, ứng dụng công nghệ cao.
Theo đó, bãi đỗ xe phải áp dụng công nghệ đỗ xe tự động đảm bảo đáp ứng nhu cầu tối thiểu khoảng 4.000 chỗ đỗ xe (ô tô, xe máy) phục vụ cộng đồng và khách vãng lai.
Tháng 9/2023, cơ cấu cổ đông đối tác của Aeon Mall tại dự án này biến động lớn, khi Công ty 27-7 chuyển nhượng 99,98% vốn điều lệ cho Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ quốc tế THISO (THISO). THISO là đơn vị thành viên THACO thuộc hệ sinh thái của tỷ phú Trần Bá Dương, chuyên kinh doanh thương mại và dịch vụ theo mô hình “Một điểm đến – Nhiều tiện ích, dịch vụ”, đáp ứng toàn diện nhu cầu khách hàng.
Theo định hướng phát triển từ THACO, THISO đã xây dựng chiến lược mở rộng hệ thống giai đoạn từ năm 2025 – 2027 với tổng 14 dự án trọng điểm, 15 đại siêu thị Emart và 7 Trung tâm Hội nghị – Sự kiện thế hệ mới Thiskyhall sẽ được đưa vào hoạt động trên toàn quốc. Năm 2025, THISO sẽ khai trương Trung tâm thương mại Thiso Mall đầu tiên tại Hà Nội (khu đô thị Tây Hồ Tây), đồng thời mở rộng thị phần ra các đô thị vệ tinh của TP Hồ Chí Minh là Biên Hòa, Cần Thơ.
Trong khi đó, Aeon Mall vẫn đặt mục tiêu mở rộng nền tảng kinh doanh tại Việt Nam, sau khi đã có 2 trung tâm thương mại lớn tại Hà Nội. Hiện tại, ngoài 7 trung tâm thương mại tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương, Huế với tổng diện tích sàn cho thuê khoảng 462.000m2, “ông lớn” bán lẻ Nhật Bản vừa được tỉnh Đồng Nai phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 Trung tâm thương mại Aeon Mall Biên Hòa với diện tích gần 12ha, vốn đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng.
Lợi thế đầu mối giao thông
Theo các chuyên gia kinh tế, Tập đoàn Aeon Mall mất hơn 1,1 tỷ yên (tương đương 188 tỷ đồng) vì hủy dự án đầu tư trung tâm thương mại ở quận Hoàng Mai. Nhưng điều này không quá ảnh hưởng đến chiến lược phát triển kinh tế của quận Hoàng Mai, nơi có dân số đông nhất Thành phố. Với tư cách là cửa ngõ phía Nam Thành phố, quận Hoàng Mai đang được hưởng nhiều lợi thế do liên quan đến các đầu mối đường sắt tốc độ cao, đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, các tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam, Vành đai 4, Vành đai 5 – Vùng Thủ đô…
Đây sẽ là điều kiện rất tốt để quận Hoàng Mai biến khu vực đất dự án thành trung tâm thương mại, logistic, dịch vụ. Hà Nội đang chuẩn bị triển khai hàng loạt dự án giao thông quan trọng như: mở rộng Quốc lộ 1A; đường trục phía Nam (tỉnh Hà Tây cũ); đường nối cao tốc Pháp Vân – Vành đai 3; đường 70… Theo các nhà đầu tư chiến lược, khu vực kinh tế phía Nam Thành phố đang khởi sắc, không có Aeon, sẽ có nhà đầu tư khác, đó là điều chắc chắn.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/vi-sao-cac-nha-dau-tu-quan-tam-du-an-tttm-o-hoang-mai.html