Theo báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến và dự thảo luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) vừa được Bộ Tài chính đưa ra, cơ quan này không ủng hộ việc nâng mức doanh thu chịu thuế giá trị gia tăng với cá nhân, hộ kinh doanh lên 250 triệu đồng.
Trước đó, tại dự thảo luật Thuế giá trị gia tăng, Bộ Tài chính đề xuất ngưỡng doanh thu chịu thuế giá trị gia tăng với cá nhân, hộ kinh doanh là 150 triệu đồng, tăng 50 triệu đồng so với hiện hành.
Nhiều cơ quan, địa phương như Bộ GTVT, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)… đã đề nghị nâng mức doanh thu này lên 250 – 300 triệu đồng.
Bộ KH-ĐT đề nghị Bộ Tài chính bổ sung căn cứ tính toán, thuyết minh bằng các số liệu mang tính định lượng để làm rõ lý do quy định ngưỡng doanh thu hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh hàng năm từ 150 triệu đồng trở xuống thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng, đảm bảo phù hợp với thực tế…
Lý giải việc không nâng ngưỡng chịu thuế này lên 250 – 300 triệu đồng, Bộ Tài chính nêu rõ: tại dự thảo luật đã đề xuất nâng mức doanh thu của hộ, cá nhân kinh doanh từ 100 triệu đồng lên mức 150 triệu đồng.
Mức đề xuất này căn cứ vào chỉ số lạm phát và tình hình thực tế. Nếu căn cứ vào chỉ số lạm phát thì ngưỡng doanh thu tính thuế chỉ khoảng 130 triệu đồng; tuy nhiên, để hỗ trợ hộ cá nhân kinh doanh, Bộ Tài chính đã đề xuất nâng lên mức 150 triệu đồng.
Theo Bộ Tài chính, việc nâng mức giảm thuế đối với hộ kinh doanh lên 250 triệu đồng sẽ ảnh hưởng đến số thu ngân sách tại địa phương, nhất là các địa phương có số thu thấp.
Cạnh đó, quy định này sẽ không khuyến khích các hộ, cá nhân kinh doanh chuyển sang doanh nghiệp (doanh nghiệp cứ phát sinh doanh thu phải nộp thuế giá trị gia tăng). Cơ quan này đề nghị giữ như mức đề xuất tại dự thảo luật.
Trước đó, góp ý cho dự thảo luật, VCCI thông tin, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp ngưỡng doanh thu chịu thuế 150 triệu đồng vẫn tương đối thấp.
VCCI đưa ra so sánh giữa cá nhân kinh doanh và cá nhân làm công ăn lương để làm rõ sự bất hợp lý.
Hiện nay, cá nhân làm công ăn lương có mức giảm trừ gia cảnh đối với trường hợp không có người phụ thuộc là 132 triệu đồng/năm, nếu có một người phụ thuộc là 184,8 triệu đồng/năm, nếu có 2 người phụ thuộc là 237,6 triệu đồng/năm.
Với giả định trung bình, mỗi người lao động có 1 người phụ thuộc thì ngưỡng thu nhập chịu thuế đối với người làm công ăn lương hiện cao hơn ngưỡng doanh thu chịu thuế giá trị gia tăng của cá nhân kinh doanh. Đó là chưa kể, để có thể có doanh thu, cá nhân kinh doanh sẽ phải mất các chi phí đầu vào, trong khi thu nhập cá nhân thì không có các chi phí này.
Cũng theo VCCI, các lĩnh vực khác nhau có kết cấu chi phí và mức thuế suất khác nhau, dù có thể cùng một mức doanh thu. Ví dụ, với lĩnh vực thương mại hàng hóa (như cửa hàng bán lẻ, tạp hóa) có chi phí đầu vào chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu; phần thu nhập mà cá nhân kinh doanh được hưởng không lớn và số thuế thu được chỉ từ 1,5 triệu đồng/năm.
Với lĩnh vực cung cấp dịch vụ, chi phí đầu vào không đáng kể, phần giá trị gia tăng làm ra lớn hơn và số thuế phải nộp cao hơn, thấp nhất 7,5 triệu đồng/năm.
Trên cơ sở phân tích, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc sửa đổi quy định về ngưỡng doanh thu chịu thuế của hộ, cá nhân kinh doanh.