Những lầm tưởng về triệu chứng thiếu máu não
Bác sĩ chuyên khoa II Võ Đôn (Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh) cho biết, thiếu máu não là một cơ chế hay gặp do tổn thương não cấp tính khi lưu lượng máu đến não bị suy giảm. Thiếu máu lên não là một trường hợp cấp cứu y tế; nếu không được điều trị, khả năng cao sẽ xảy ra nhồi máu não hoặc bệnh lý tại não bộ do thiếu oxy, thiếu máu cục bộ. Khi đó, người bệnh có thể tử vong hoặc có nguy cơ tàn tật vĩnh viễn.
Nhiều người thường có suy nghĩ sai lầm khi cho rằng tai biến mạch máu não chỉ hay gặp vào mùa đông, khi nhiệt độ thấp và cơ thể dễ bị cảm lạnh. Trên thực tế, con người cũng dễ bị tai biến vào mùa hè do thời tiết thay đổi thất thường, sự chênh lệch về nhiệt độ giữa ngày và đêm cao.
Trong những ngày nắng nóng, độ ẩm không khí cao gây nên cảm giác mệt mỏi cũng như hiện tượng mất nước, có thể gây rối loạn về đông/ cầm máu và gây tai biến, nhất là ở người trung niên, người cao tuổi do sự lão hóa của các cơ quan trong cơ thể nên sự thích ứng với môi trường không được nhanh như thanh niên.
Mặt khác, để chống lại sự tăng nhiệt độ của cơ thể trước nhiệt độ của môi trường (hoặc sự tăng nhiệt do tập thể dục, chơi thể thao), cơ thể điều tiết sự thích ứng nhiệt độ bằng cách tăng sự bài tiết mồ hôi để hạ nhiệt. Sự ra mồ hôi dẫn tới cơ thể mất nước và muối, dẫn tới giảm khối lượng tuần hoàn trong cơ thể. Nếu sự bù nước, muối không được kịp thời thì rất dễ gây ra hiện tượng tụt huyết áp, thiếu máu não, tai biến mạch não thoáng qua.
Tai biến mạch máu não là nguyên nhân gây tàn phế hàng đầu trên thế giới và là nguyên nhân đứng thứ 3 gây tử vong ở Việt Nam.
Phòng tránh thiếu máu não ở người trẻ
Đột quỵ thường gặp ở người cao tuổi. Tuy nhiên, hiện nhiều bệnh viện đã ghi nhận các trường hợp người trẻ tuổi nhập viện do thiếu máu não, đột quỵ. Người lớn tuổi đột quỵ thường do tình trạng xơ vữa, hẹp mạch máu não hoặc tăng huyết áp; đột quỵ ở người trẻ thường xảy ra đột ngột và có căn nguyên thường gặp như: Dị dạng mạch máu não – là các bất thường về giải phẫu của mạch máu não như phình động mạch não, thông động tĩnh mạch, u mạch; các bệnh lý tim mạch như rối loạn nhịp tim, bệnh van tim, dẫn tới hình thành huyết khối trong các buồng tim, bệnh lý về đông máu…
Hiện nay, nhiều người trẻ ít vận động, sử dụng nhiều rượu, bia, thực phẩm nhiều dầu mỡ, chất béo, ít chất xơ, các loại thức ăn nhanh, thường xuyên bị căng thẳng trong công việc…, đó là nguyên nhân làm tăng nguy cơ thiếu máu não, cholesterol cao, tăng huyết áp, stress, đái tháo đường…
Đáng lo ngại, triệu chứng đột quỵ ở những người trẻ tuổi có thể khác so với người lớn tuổi nên người nhà thường chủ quan, không đưa đi cấp cứu sớm và chưa biết cách sơ cứu trước khi đưa người bệnh đến bệnh viện.
Không ít trường hợp, bệnh nhân khởi phát với tình trạng đau đầu dữ dội, nôn, gáy cứng, nhìn mờ… nhưng người nhà lại chủ quan tự sơ cứu tại nhà với các mẹo dân gian như cạo gió, chích máu 10 đầu ngón tay, uống thuốc cảm…, chỉ khi bệnh trở nặng mới nhập viện thì lúc này khả năng hồi phục là rất khó khăn, thường để lại di chứng nặng nề.
“Triệu chứng thiếu máu não khi chưa tiến triển đến cấp độ nặng sẽ biểu hiện bằng những cơn đau đầu, buồn nôn, tê bì chân tay hay vùng mặt… thoáng qua. Đa phần những triệu chứng của bệnh thiếu máu não sẽ tự mất sau 10 – 20 phút, người thân cần tìm hiểu những biện pháp xử lý để người bệnh không rơi vào trạng thái nguy hiểm. Khi xuất hiện các triệu chứng trên, mọi người có thể đặt người bệnh nằm trên mặt phẳng thông thoáng, đầu thấp, nới lỏng quần áo để máu có thể lưu thông đến não tốt hơn. Ngay sau đó, hãy nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ thăm khám và điều trị sớm. Ngoài ra, người thân cần theo sát chế độ sinh hoạt, ăn uống và hỗ trợ người bệnh thiếu máu não tránh xa các tác nhân dễ dẫn đến đột quỵ như tắm đêm, thức khuya, stress…” – bác sĩ chuyên khoa II Võ Đôn khuyến cáo.