Ngộ độc do ăn cà độc dược
Ngày 22.8, một gia đình gồm 5 người tại huyện Ea Súp, Đắk Lắk, sau khi ăn cơm với cà độc dược được khoảng 30 phút thì xuất hiện các triệu chứng bất thường như mệt mỏi, sốt, nôn ói, co giật… nên được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Ea Súp. Sau đó các bệnh nhân này được chuyển lên Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên cấp cứu và điều trị.
Trước đó, năm 2020, 3 người trong một gia đình ở Lào Cai cũng bị ngộ độc do ăn ngọn cây cà độc dược luộc. Sau khi ăn khoảng 30 phút, 3 người nói trên xuất hiện các triệu chứng buồn nôn, đau đầu, chóng mặt, đau bụng, tê bì chân tay, tê lưỡi, không làm chủ vận động, nói nhảm và được đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Hay hồi năm 2015, một người đàn ông 38 tuổi, ở Nghệ An, hái vài quả cà độc dược về nấu lấy nước uống. Sau ít phút thì người này bị ngộ độc, nhập viện cấp cứu.
Hoạt chất trong cà độc dược có thể gây tử vong
Tiến sĩ, dược sĩ Nguyễn Thành Triết, Phó trưởng bộ môn Dược học cổ truyền, Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết hoạt chất chính trong cà độc dược là scopolamine, một chất liệt phó giao cảm. Nó gây ảo giác, khô miệng, tăng nhãn áp, mất trí nhớ tạm thời.
“Việc sử dụng scopolamine là rất nguy hiểm nếu không được sử dụng chính xác hoặc dùng số lượng quá lớn. Nó có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng như hoa mắt, chóng mặt, mất cân bằng, rối loạn nhịp tim, nặng có thể gây tử vong”, tiến sĩ Triết nhấn mạnh.
Lá hoặc hoa cà độc dược còn được dân gian sử dụng trong điều trị hen suyễn (dạng hít). Tuy nhiên tiến sĩ Triết lưu ý khi sử dụng cà độc dược lẫn scopolamine cần chú ý liều lượng và phải có hướng dẫn của chuyên gia.
Tương tự, bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, Đơn vị Điều trị Ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM – cơ sở 3, cho biết cà độc dược có vị cay, tính ôn, có độc. Loại cây này được ứng dụng chữa ho, hen, thấp khớp, sưng chân, giảm lở loét trong dạ dày, ruột, chữa trĩ, say sóng, say tàu xe…
Tuy nhiên việc sử dụng phải có sự giám sát chỉ định của thầy thuốc có chuyên môn. Do trong thành phần hóa học của cây cà độc dược hầu hết là alkaloid, trong đó alkaloid chính là L-scopolamin (hyoscin), ngoài ra còn có hyoscyamine, atropine, scopolamine. Do vậy ngộ độc cà độc dược là biểu hiện tác động dược lý và hóa học của các alkaloid nói trên, với biểu hiện triệu chứng khác nhau.
Triệu chứng ngộ độc phụ thuộc nhiều vào liều lượng thuốc, liều thấp có biểu hiện nhẹ như hơi khô miệng, giảm tiết mồ hôi, liều cao hơn gây giãn đồng tử, da khô nóng đỏ, ảo giác, mê sảng và hôn mê.
Ngoài ra, triệu chứng còn phụ thuộc vào loại dược chất khác nhau, như scopolamine có trong cà độc dược thường gây nên các triệu chứng thần kinh trung ương như mất định hướng, ảo giác, mê sảng ngay cả với liều thấp.
“Cà độc dược là một vị thuốc đông y tốt, chữa được nhiều bệnh lý. Tuy nhiên, độc tố của nó có thể gây hậu quả lớn cho sức khỏe. Vì vậy, không nên tự ý sử dụng cà độc dược nếu không có hướng dẫn của thầy thuốc có kinh nghiệm tại các cơ sở y tế uy tín”, bác sĩ Vũ khuyến cáo.