Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), cho biết vi rút hợp bào hô hấp (Respiratory syncytial virus: RSV) là tác nhân chính gây nên các bệnh nhiễm khuẩn cấp tính ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người lớn tuổi, người có bệnh nền.
Triệu chứng đặc trưng
Tương tự như vi rút đường hô hấp khác, RSV có thể tái nhiễm nhiều lần. RSV có thể lây nhiễm từ người sang người qua dịch tiết, giọt bắn đường hô hấp như người bệnh ho, hắt hơi, chạm vào bề mặt nhiễm vi rút như tay nắm cửa, đồ chơi, mặt bàn… tiếp xúc trực tiếp như bắt tay, hôn, mớm thức ăn…
“Ở trẻ nhỏ khi nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp sẽ có các triệu chứng như sốt, ho, sổ mũi khò khè, viêm tiểu phế quản, diễn tiến suy hô hấp… Ở người lớn khi nhiễm RSV cũng sẽ có các triệu chứng tương tự như sốt, ho, sổ mũi và đặc trưng bởi triệu chứng khò khè, các cơn co thắt phế quản, ở mức độ nặng bệnh có thể gây suy hô hấp”, bác sĩ Tiến chia sẻ.
Nhiều trẻ nhiễm RSV
Tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, trong các trường hợp trẻ mắc bệnh hô hấp có khoảng 25% do tác nhân RSV. Các triệu chứng thường kéo dài trong khoảng 1 tuần. Tỷ lệ người bệnh trở nặng khoảng 5%.
Những dấu hiệu nhận biết bệnh trở nặng như nhịp thở tăng, thở mệt, co kéo rút lõm ngực… Ở trẻ nhỏ cần chú ý các dấu hiệu như quấy khóc, cáu gắt, mệt mỏi bất thường, bú kém hoặc không chịu bú, khó thở, thở ngắn, nông, nhanh…
Không tự ý mua kháng sinh điều trị tại nhà
Bác sĩ Tiến cho biết, người bệnh nhiễm RSV sẽ được điều trị triệu chứng, nghỉ ngơi, bổ sung dinh dưỡng hợp lý, cung cấp oxy… Hiện trên thế giới đã có vắc xin phòng RSV và dự kiến trong thời gian tới tại Việt Nam sẽ có vắc xin phòng bệnh.
“Người bệnh không nên tự ý mua kháng sinh điều trị tại nhà mà cần điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ tại các cơ sở y tế. Ở người trưởng thành các triệu chứng khi nhiễm RSV thường nhẹ. Tuy nhiên nếu tái nhiễm nhiều lần có thể có nguy cơ gây nên tình trạng hen suyễn”, bác sĩ Tiến chia sẻ.
Ngoài ra, để phòng ngừa nhiễm RSV, bác sĩ khuyến cáo cần rửa tay thường xuyên bằng nước với xà phòng trong ít nhất 20 giây, hoặc sử dụng dung dịch rửa tay sát khuẩn; Tránh đưa tay lên mặt, chạm mắt, mũi, miệng; Tránh tiếp xúc gần với người bệnh như ôm, hôn, bắt tay; Không dùng chung dụng cụ ăn uống với người khác; Che miệng mũi khi hắt hơi, ho bằng khăn giấy hoặc khuỷu tay; Khử trùng bề mặt thường xuyên tiếp xúc như mặt bàn làm việc, tay nắm cửa, điện thoại, máy tính, thang máy, lan can cầu thang…
“Những người nghi ngờ bản thân nhiễm RSV cần tránh tiếp xúc gần với người khác, có thể đeo khẩu trang nếu thấy cần thiết và không nên tiếp xúc với các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh nặng như trẻ nhỏ và người lớn tuổi, người có bệnh nền”, bác sĩ Tiến khuyến cáo.
Thời tiết thất thường thuận lợi cho RSV phát triển
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), TP.HCM có thời tiết và độ ẩm không khí thay đổi thất thường. Đây là môi trường thuận lợi để các loại vi khuẩn, vi rút gây bệnh đường hô hấp phát triển trong đó có RSV. Vi rút này thường gây viêm phổi, khò khè, viêm tiểu phế quản, suy hô hấp…
RSV có thể tấn công xuống đường hô hấp dưới gây ra các triệu chứng như khó thở, thở nhanh hơn bình thường và thở khò khè, ho, viêm họng, sổ mũi, nghẹt mũi, sốt, viêm phổi, viêm tiểu phế quản. Ngoài ra một đặc điểm đáng chú ý là RSV còn gây viêm tai giữa, viêm phổi, xẹp phổi, tràn khí màng phổi…