Hành trình đến với Giải báo chí Diên Hồng
Có nhiều giải thưởng báo chí nhưng nhà báo Tuấn Ngọc luôn khiêm tốn chia sẻ rằng, những tác phẩm đoạt giải đều có một phần nhiều may mắn khi anh được sống trong lòng của sự kiện, sống với những nhân vật thật đặc biệt nơi mảnh đất quê hương. Trong hành trình hơn 12 năm làm nghề, nhà báo Tuấn Ngọc đã gặt hái rất nhiều những niềm vui trên thảm đỏ: đoạt giải C toàn quốc cuộc vận động sáng tác về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2016; đoạt Giải A Báo chí tỉnh Lào Cai năm 2017; đoạt Giải A Giải Báo chí với phát triển bền vững 2018; đoạt Giải C Giải Báo chí Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2022 và đoạt Giải C Giải Báo chí toàn quốc về Quốc hội và Hội đồng Nhân dân (Giải Diên hồng) năm 2023.
Góp trong kỷ niệm nghề nghiệp của nhà báo Tuấn Ngọc là những chuyến đi đầy gian nan, vất vả đến những thôn, bản cao và xa nhất tỉnh, vắng người đi qua. Trong đó, nhà báo Tuấn Ngọc kể lại ấn tượng khó quên về hành trình tác nghiệp loạt bài đoạt giải Diên Hồng mới đây – loạt bài 4 kỳ “Những “đại sứ” của lòng dân nơi vùng cao, biên giới”.
Anh chia sẻ rằng: Câu chuyện bắt đầu từ một ngày đầu năm 2023 khi anh có dịp giao lưu với một nhà báo từ Hà Nội lên công tác ở Lào Cai. Trong bữa cơm hôm ấy, anh bạn tôi bảo Báo Lào Cai đã có bài tham gia Giải Báo chí Diên Hồng chưa và động viên tôi tham gia, bởi đây là giải báo chí toàn quốc do Văn phòng Quốc hội phối hợp với một số bộ, ngành Trung ương tổ chức lần đầu tiên. Khi về, tôi tìm hiểu và biết được Giải Báo chí Diên Hồng là giải báo chí lớn, viết về Quốc hội, HĐND và sự đóng góp của những đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp. Tuy nhiên, do công việc bận rộn, đến khi còn cách hạn cuối nộp bài hơn 1 tháng, tôi mới tập trung suy nghĩ, tìm đề tài, xây dựng đề cương, cùng đồng nghiệp thực hiện loạt bài “Những “đại sứ” của lòng dân nơi vùng cao, biên giới”.
Thông thường, việc viết chân dung về những điển hình tiên tiến trong các lĩnh vực như kinh tế, giáo dục, văn hóa… không quá khó vì kết quả đạt được khá rõ ràng. Nhưng đối với những đại biểu HĐND với vai trò cầu nối, lắng nghe và mang tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của cử tri đến các cấp cao hơn trong các kỳ họp, đồng thời trả lời những vấn đề cử tri quan tâm, thì việc chọn nhân vật đã khó, việc viết sao cho hay, cho hấp dẫn mà vẫn phản ánh trung thực kết quả hoạt động của đại biểu lại càng khó hơn, khiến chúng tôi không khỏi suy nghĩ, trăn trở. Vì thế, trong mỗi bài viết, có những nội dung, câu chữ phải sửa đi, sửa lại nhiều lần.
Kỷ niệm sâu sắc nhất của chúng tôi chính là hành trình gặp gỡ những đại biểu trong mỗi bài viết đều là hành trình vượt chặng đường xa từ 70 đến 100km đến 3 huyện biên giới của tỉnh. Để gặp đại biểu Ly Giá Sơ, dân tộc Hà Nhì, Phó Chủ tịch HĐND xã Y Tý, huyện Bát Xát, trong ngày thứ 6, phóng viên chỉ trò chuyện với chị trong khoảng thời gian ngắn thì chị bận tham gia buổi làm việc với đoàn công tác từ tỉnh. Nghỉ lại Y Tý một đêm, sáng thứ 7 chúng tôi mới theo chân chị xuống thôn, ghi lại những hình ảnh thực tế và có thêm nhiều thông tin hay cho bài viết. Ngay cả chuyến công tác gặp đại biểu Nùng Thị Thu người dân tộc Nùng, Bí thư Đảng ủy xã Nấm Lư, đại biểu HĐND huyện Mường Khương cũng diễn ra vội vã, bởi dù hẹn gặp nhiều lần nhưng chị luôn bận rộn với những cuộc họp và những chương trình công tác tại địa phương.
Đối với đại biểu Tráng Seo Xà người dân tộc Mông, Bí thư Đoàn Thanh niên, đại biểu HĐND xã Quan Hồ Thẩn, huyện Si Ma Cai, sau hành trình hơn 100 km đến khoảng 11 giờ trưa chúng tôi mới tới trang trại nhà anh. Buổi trò chuyện, trao đổi với Tráng Seo Xà diễn ra ngay trong vườn lê nhà anh thông cả buổi trưa. Mải trò chuyện, lấy thông tin, chụp ảnh, đến gần 13 giờ chiều chúng tôi mới vội vã rời khỏi Quan Hồ Thẩn. Thật xúc động vì dù muộn, anh Giàng Sín Chớ – Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Si Ma Cai vẫn đợi chúng tôi về chợ Si Ma Cai cùng ăn bữa cơm trưa.
Mặc dù loạt bài 4 kỳ “Những “đại sứ” của lòng dân nơi vùng cao, biên giới” viết vội nhưng vẫn kịp tham dự Giải Báo chí Diên Hồng đúng hạn. Khoảnh khắc xúc động nhất, chúng tôi vỡ òa niềm vui khi nhận được thông tin từ Ban Tổ chức cuộc thi loạt bài đã đoạt giải C. Trong số hơn 3.300 bài thi, chỉ có 101 tác phẩm xuất sắc được vào chung khảo và 67 tác phẩm xuất sắc nhất được trao giải. Báo Lào Cai cũng là một trong số ít đơn vị báo tỉnh đoạt giải báo chí Diên Hồng lần đầu tiên tổ chức. Niềm vui ấy tiếp thêm cho chúng tôi nguồn năng lượng mới để tiếp tục cống hiến trên hành trình làm báo phía trước.
Câu chuyện về chiếc máy ảnh bị bỏ quên
Hơn 12 năm gắn bó với Báo Lào Cai, nhà báo Trần Tuấn Ngọc có rất nhiều kỷ niệm khó quên trên hành trình tác nghiệp nhưng có những kỷ niệm khiến anh vẫn còn xúc động đến bây giờ. Nhà báo Tuấn Ngọc chia sẻ: Đó là một buổi chiều đầu năm 2023 sương mù bao phủ khắp núi rừng và bản làng vùng cao Bát Xát, tôi có chuyến tác nghiệp đến xã A Lù – xã vùng cao xa nhất và cũng là một trong những xã khó khăn nhất của huyện Bát Xát để viết về đề tài khó khăn trong quản lý đất đai, xây dựng tại đây. Sau khi phỏng vấn xong lãnh đạo xã, tôi cùng anh cán bộ địa chính xã đến phỏng vấn một hộ dân nhưng thật đen đủi không có ai ở nhà. Mặc dù vậy, tôi vẫn quyết định chụp ảnh ngôi nhà xây dựng trái phép làm tư liệu. Dù là máy ảnh hiện đại, thật khó khăn để chụp được những bức ảnh như ý trong điều kiện thời tiết sương mù dày đặc. Cẩn thận hơn, tôi còn dùng cả điện thoại để chụp thêm đề phòng thẻ máy ảnh có thể bị lỗi là hỏng cả chuyến tác nghiệp.
Lúc này đã hơn 14h chiều, trời rét tái tê kèm theo cả mưa mù. Chúng tôi vội vã lên đường đến nhà nhân vật thứ hai. Sương mù dày quá, mắt tôi bị cận thị phải đeo kính, đi một đoạn phải dừng lại lau kính cho khỏi mờ mới có thể đi tiếp, lầm lũi di chuyển gần chục km trong sương mù rồi rẽ lên một con dốc cao mới tới được nhà dân. Lúc này, tôi lấy máy ảnh ra tác nghiệp thì tá hỏa vì ba lô trống không, chiếc máy ảnh đâu rồi? Bình tĩnh nhớ lại, thì ra trong lúc vội vã, tôi đã bỏ quên máy ảnh trên những bao trấu cạnh ngôi nhà ven đường. Gần đó, có một chị người Mông đang làm việc. Mặc dù vô cùng lo lắng, nhưng tôi quyết định phỏng vấn xong mới quay lại tìm chiếc máy ảnh, nếu không sẽ không đủ tư liệu viết bài, cũng không kịp quay về trước khi trời tối bởi chặng đường còn gần 100km.
Niềm vui vỡ òa khi tôi quay trở lại nhìn thấy chiếc máy ảnh yêu quý vẫn đang nằm yên trên những bao trấu ven đường ướt đẫm sương. Lúc này, chị người Mông đang ngồi cạnh ngôi nhà bảo “Anh đi vội quá bỏ quên máy ảnh, em không có xe đuổi theo để bảo anh nên ngồi đây đợi anh quay lại lấy đồ”.
Tôi không khỏi bất ngờ trước lời nói và hành động tốt của người phụ nữ trẻ có gương mặt và đôi mắt hiền lành, phúc hậu. Với tôi, chiếc máy ảnh là tài sản vô giá, bởi ngoài giá trị gần mấy chục triệu đồng, nó còn lưu rất nhiều hình ảnh tư liệu trong những chuyến đi tác nghiệp trước đó. Hỏi thêm, chị bảo tên là Thào Thị Sống, nhà ở thôn Phìn Chải 1, xã A Lù, gia đình cũng thuộc diện khó khăn, đang có hai con nhỏ. Trong ví chỉ còn ít tiền đổ xăng xe chẳng có gì để cảm ơn chị, tôi sực nhớ ra vẫn còn mấy hộp bánh mang theo ăn đường và cho trẻ con vùng cao nên lấy ra đưa hết cho chị với lời cảm ơn từ tận đáy lòng và lời hứa sẽ lên thăm nhà chị một ngày gần nhất.
Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn suy nghĩ mãi về người phụ nữ Mông ở Phìn Chải 1. Nếu tôi không gặp một người tốt như chị thì có thể đã không tìm lại chiếc máy ảnh của mình ở một nơi hoang sơ, vắng vẻ như vậy. Kỷ niệm này đã cho tôi một bài học quý giá, hành động của chị Sống nhắc tôi luôn phải nhớ dù trong hoàn cảnh nào, khó khăn, thiếu thốn đến mấy nhưng hãy sống vì người khác, đừng bao giờ để lòng tham, sự ích kỷ chiến thắng lòng tốt trong mỗi con người…
Sông Mây