Với nỗ lực xanh hóa môi trường, Chính phủ Israel đã đưa ra nhiều giải pháp vừa nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, vừa mang lại giá trị kinh tế cao.
Theo báo The Star, Bộ Giao thông vận tải và An toàn đường bộ Israel vừa công bố dự án lắp đặt hệ thống các tấm năng lượng mặt trời và lưu trữ năng lượng sạch dọc đường cao tốc 6 xuyên quốc gia. Dự án gồm việc lắp đặt các cơ sở năng lượng sạch tại các nút giao của cao tốc 6, kết nối các cơ sở này với lưới điện quốc gia và cung cấp khoảng 100MW. Shikun & Binui Energy – công ty năng lượng hàng đầu Israel – sẽ triển khai thực hiện dự án trị giá khoảng 134 triệu USD này sau khi trúng thầu. Tuyến đường cao tốc 6 dài 192km, nối khu vực Galitee ở miền Bắc với sa mạc Negev ở miền Nam Israel. Chính phủ Israel đang lên kế hoạch nối dài cao tốc này về cả hai phía.
Theo Bộ Giao thông vận tải và An toàn đường bộ Israel, dự án nhằm sản xuất năng lượng sạch, từ đó giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch đắt đỏ và gây ô nhiễm, đồng thời giảm sự phụ thuộc của Israel vào dầu nhập khẩu. Dự án là bước đi nhằm thực hiện kế hoạch chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch và tái tạo của Israel, trong đó có việc từng bước điện khí hóa tất cả tàu hỏa và xe buýt.
Năm ngoái, Chính phủ Israel đã đưa ra quy định yêu cầu tất cả các tòa nhà phi dân cư mới phải lắp đặt các tấm pin mặt trời trên mái nhà. Theo quy định, trong vòng 180 ngày, các tòa nhà phi dân cư mới phải lợp các tấm năng lượng mặt trời trên mái nhà. Đối với công trình nhà ở, phần mái phải được thiết kế thuận lợi cho việc lắp đặt tấm pin sau này. Đây là động thái nhằm giúp Israel đáp ứng được các mục tiêu năng lượng tái tạo và nhu cầu điện tăng do dân số tăng nhanh. Hiện Israel đã bị chậm so với mục tiêu đạt được 30% điện năng từ năng lượng tái tạo vào năm 2030.
Trong khi đó, Bộ Bảo vệ môi trường và Bộ Năng lượng – Hạ tầng Israel mới đây thông báo sẽ tiếp tục cấp khoảng 4 triệu USD trong năm thứ 2 liên tiếp, để khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư phát triển các cơ sở nghiên cứu tiên phong tận dụng năng lượng từ rác thải. Các đề án phải chứng minh được tính khả thi về tài chính và công nghệ biến rác thải thành năng lượng. Hiện có một số dự án sử dụng công nghệ tách khí gas sẽ được thiết lập gần các điểm tập kết rác thải lớn ở các thành phố lớn như Hebron, Kfar Saba… Trong đó, Công ty Shahar Tishloot đã giành được tài trợ cho dây chuyền biến rác thải và bao bì, vỏ chai thành khí đốt. Nguồn năng lượng thu hồi sẽ được sử dụng để sản xuất điện và nhiệt phục vụ cho nuôi ấu trùng ruồi lính đen, cung cấp đạm cho ngành chăn nuôi. Một dự án khác của Công ty Sansvira sẽ cho phép xây dựng một cơ sở sản xuất dầu diesel từ rác thải nhựa không thể tái chế ngay gần điểm tập kết rác ở TP Ashdod, miền Nam Israel.
Bộ trưởng Bộ Năng lượng – Hạ tầng Eli Cohen nhấn mạnh: “Khuyến khích xây dựng các cơ sở chế biến rác thải thành năng lượng và các thiết bị tương tự đã trở thành nhu cầu cấp bách. Chúng tôi dự đoán mỗi ký rác thải đô thị có thể sản xuất được khoảng 1kWh điện”. Theo các chuyên gia, tận dụng năng lượng từ rác thải mang lại nhiều lợi ích, vừa tạo ra nguồn năng lượng có giá trị kinh tế vừa xử lý được nguồn rác thải không thể tái sinh, qua đó giảm diện tích sử dụng để chôn lấp rác và giảm lượng khí thải CO2 độc hại ra môi trường.
MINH CHÂU