Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB – HoSE: SHB) vừa công bố lợi nhuận trước thuế sau kiểm toán đạt 9.239 tỷ đồng, giảm 5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 7.325 tỷ đồng, giảm 145 tỷ đồng so với báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 đã công bố trước đó. Tổng tài sản của nhà băng tăng cũng tăng 76 tỷ đồng từ 630.424 tỷ đồng lên 630.500 tỷ đồng.
Theo đó, lý do khiến lợi nhuận của SHB giảm đến từ việc một loạt các chỉ tiêu kinh doanh của nhà băng này đều được điều chỉnh so với báo cáo chưa kiểm toán.
Cụ thể, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của SHB đã giảm từ 16.656 tỷ đồng trước kiểm toán về mức 16.276 tỷ đồng sau kiểm toán, giảm nhẹ 2,3%. Đồng thời, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của nhà băng cũng được điều chỉnh giảm từ 7.412 tỷ đồng xuống còn 7.037 tỷ đồng.
Nhờ vậy, lãi trước thuế của SHB chỉ giảm nhẹ sau kiểm toán. Dù vậy, lợi nhuận sau thuế của ngân hàng lại “bay” 145 tỷ đồng do chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp đã tăng từ 1.774 tỷ đồng lên 1.914 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank – HoSE: VPB) cũng đồng cảnh ngộ với SHB khi báo lãi sau thuế kiểm toán đạt 8.494 tỷ đồng, so với khoản lãi 8.641 tỷ đồng trong báo cáo tài chưa trước kiểm toán, lợi nhuận đã giảm 147 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong khi tài sản của SHB tăng lên, VPBank lại có tổng tài sản giảm từ 817.699 tỷ đồng xuống còn 817.566 tỷ đồng
Việc tăng chi phí dự phòng rủi ro lên 24.994 tỷ đồng, tăng thêm 150 tỷ đồng so với trước kiểm toán đã kéo lùi lợi nhuận của VPBank. Bên cạnh đó, việc lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng từ 7.096 tỷ đồng lên 7.211 tỷ đồng, lãi thuần từ hoạt động khác giảm từ 4.645 tỷ đồng xuống 4.525 tỷ đồng cũng phần nào ảnh hưởng tới lợi nhuận ngân hàng.
Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB – HoSE: OCB) cũng công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 với khoản lợi nhuận sau thuế 3.302,4 tỷ đồng, giảm so với trước khi kiểm toán.
Theo OCB, nguyên nhân chính khiến lợi nhuận sụt giảm sau kiểm toán là do nhà băng điều chỉnh một số khoản mục thu nhập đã thực thu tiền từ khách hàng trong năm 2023 sẽ được hạch toán đủ trong quý I/2024;
Và phân loại lại phần lớn giá trị khoản mục “Tài sản gán nợ đang chờ xử lý” thuộc mục “Tài sản có khác” sang khoản mục “Các khoản nợ chờ xử lý khác đã có tài sản xiết nợ, gán nợ”. Việc phân loại này kéo theo chi phí dự phòng rủi ro tín dụng được trích bổ sung tăng 44,44% nhằm tăng cường bộ đệm quỹ dự phòng rủi ro tín dụng.
Cụ thể, thu nhập từ lãi thuần của OCB tại báo cáo tài chính quý IV/2023 là 7.288 tỷ đồng xuống 6.765 tỷ đồng sau kiểm toán, giảm 7%. Chi phí dự phòng của nhà băng tăng 44% từ 1.127 tỷ đồng lên 1.627 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank – UPCoM: VAB) cũng ghi nhận lợi nhuận sau thuế 744 tỷ đồng sau kiểm toán, giảm 14 tỷ đồng so với khoản 758 tỷ đồng trước đó. Tương tự ngân hàng khác, nguyên nhân chủ yếu kéo lợi nhuận sau thuế của nhà băng đi lùi đến từ việc chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đã tăng thêm 12 tỷ đồng từ 675 tỷ đồng lên gần 687 tỷ đồng.
Về phía nhóm ngân hàng quốc doanh, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank – HoSE: CTG) mới đây cũng công bố báo cáo kiểm toán với khoản lãi sau thuế 20.044 tỷ đồng, giảm 89 tỷ so với khoản 20.133 tỷ đồng trước kiểm toán.
Lợi nhuận đi lùi do các chỉ tiêu tài chính của nhà băng này đã được điều chỉnh sau kiểm toán. Trong đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của nhà băng là 50.105 tỷ đồng, đã giảm 110 tỷ đồng so với trước kiểm toán.
Ngoài ra, một số nhà băng khác cũng ghi nhận sự biến đổi lợi nhuận sau kiểm toán với con số không lớn như Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank)…
Ở chiều ngược lại, cũng có trường hợp lợi nhuận nhích lên sau kiểm toán như Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB), theo đó, nhà băng lãi sau thuế 8.563 tỷ đồng, nhích nhẹ 1 tỷ đồng so với trước kiểm toán.
Trong báo cáo dự báo lợi nhuận quý I/2024, Chứng khoán MBS cho rằng, ngành ngân hàng sẽ giữ nhịp tăng trưởng toàn thị trường với ước tính lợi nhuận tăng 20% so với cùng kỳ. Theo MBS, khi cầu tín dụng vẫn đang cho thấy sự suy yếu, kết quả kinh doanh trong quý I/2024 sẽ có sự phân hóa giữa các ngân hàng. Các ngân hàng có lợi thế riêng về mảng cho vay (HDBank, Techcombank, …) hoặc những ngân hàng có chất lượng tài sản cải thiện, giảm bớt áp lực trích lập dự phòng (BIDV, Sacombank…) sẽ có kết quả kinh doanh khả quan hơn so với toàn ngành.