Kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã, là những cơ sở kinh tế do các thành viên tự nguyện góp vốn, tài sản, tư liệu sản xuất và góp sức; cùng sản xuất, kinh doanh; cùng quản lý theo nguyên tắc dân chủ, bình đẳng; phân phối theo vốn góp, lao động hoặc theo mức độ tham gia dịch vụ.
Thành viên kinh tế tập thể khi tự nguyện chấm dứt tư cách thành viên thì được tổ chức kinh tế tập thể trả lại phần vốn, tài sản, tư liệu sản xuất đã đóng góp.
Kinh tế tập thể tồn tại dưới nhiều hình thức, phổ biến hơn cả là tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã…Trong đó, hợp tác xã được coi là loại hình nòng cốt của kinh tế tập thể. Đây là một loại hình kinh tế tập thể khá phổ biến, hoạt động trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội và hiện diện ở các nền kinh tế có trình độ phát triển khác nhau, trên khắp thế giới.
Cùng với việc lấy lợi ích kinh tế làm mục tiêu chính, kinh tế tập thể còn coi trọng lợi ích xã hội của thành viên; coi trọng sự hợp tác mang tính liên kết, bổ trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên; góp phần xóa đói, giảm nghèo, tiến tới làm giàu cho các thành viên, phát triển cộng đồng.
Mặc dù vậy, trên thực tế, vẫn tồn tại thực trạng nông dân chưa thực sự mặn mà tham gia HTX, dù việc kinh doanh nhỏ lẻ không thể phát huy hiệu quả cao nhất. Vậy nguyên nhân do đâu?
Một trong những nguyên nhân được chuyên gia nhắc đến nhiều nhất đó là nhiều HTX dược thành lập theo phong trào. Những HTX kiểu này có đăng ký kinh doanh nhưng lại không hoạt động, không phát huy được vai trò dẫn dắt, hỗ trợ nông dân đổi mới và nâng cao hiệu quả sản xuất. Từ đó không tạo được niềm tin, thuyết phục nông dân tham gia.
Trả lời báo chí, GS.TS Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Học viện Nông nghiệp Việt Nam từng nhấn mạnh mô hình của hợp tác xã Việt Nam phải là mô hình của người nông dân, để là điểm tựa, điểm hội tụ, để từ đó tạo lập nên sức mạnh cộng hưởng từ hàng triệu hộ nông dân, làm nên niềm tin và là niềm tự hào của họ, làm nên nền nông nghiệp sinh thái, làm nên nông thôn Việt Nam hùng cường và giai cấp nông dân giàu có.
Các chuyên gia khác cũng cho rằng HTX nông nghiệp còn rất nhiều khó khăn trong công tác quản trị. Quy mô thì nhỏ, doanh thu lại thấp. Sở dĩ người dân chưa thực sự quan tâm đến HTX suy cho cùng là do hiệu quả chưa tốt.
Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng: “Người nông dân đang lúng túng trước 3 câu hỏi: Tôi vào HTX, tôi có được tiêu thụ nông sản giá cao hơn không và có bán được hết không? Trong quan hệ lợi ích của tôi với các bên tham gia của HTX có minh bạch không? Vào HTX, tôi có nhàn hơn không hay cường độ lao động của tôi vẫn như ngày xưa? Chính vì 3 yếu tố băn khoăn này mà nông dân còn e dè khi giơ tay biểu quyết tham gia HTX ở cơ sở”.
Muốn cải thiện thu nhập, không còn cách nào khác nông dân phải hợp tác lại để “mua chung, bán chung, dùng chung”, tạo lập và phát triển vùng nguyên liệu chất lượng cao, có sản lượng đủ lớn để đàm phán giá bán với doanh nghiệp và cạnh tranh trên thị trường.
Kinh tế nông thôn phát triển khi HTX tích cực hỗ trợ người dân làm tốt từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản thông qua các dịch vụ cung ứng đầu vào và đầu ra, giúp giải bài toán được mùa, mất giá.
Thực tế đã chứng minh, nếu không có sự tham gia của HTX, sản xuất sẽ gặp không ít khó khăn. Thời gian gần đây vai trò của các HTX ngày càng được nâng cao trong việc thúc đẩy kinh tế nông thôn. Bằng việc cung ứng các dịch vụ nông nghiệp giúp bà con yên tâm sản xuất, cũng như giúp người dân và doanh nghiệp tìm thấy nhau…
HTX chính là một mắt xích quan trọng trong phát triển nông nghiệp và nông thôn. Nhưng nếu không có một chiến lược phát triển bài bản, chắc chắn các HTX sẽ không thể tiến xa và càng không thể thích ứng được với những đòi hỏi, yêu cầu khắt khe của nền kinh tế thị trường.
Công Hiếu