Làm được rất nhiều, tuy vậy công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) của Hà Nội vẫn còn một số vướng mắc cần tháo gỡ…
Cụ thể của những khó khăn, vướng mắc này gồm: Chưa có sự đồng nhất trong phương thức quản lý ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm do cấp quận, huyện cấp đăng ký kinh doanh giữa các ngành.
Thiếu các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về các chỉ tiêu ATTP đối với sản phẩm thực phẩm, nhất là các sản phẩm chế biến, phối chế, hỗn hợp, gây khó khăn cho việc áp dụng của các cơ sở cũng như của cơ quan quản lý.
Việc triển khai quy hoạch giết mổ gia súc, gia cầm tập trung còn chậm, công tác xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh của một số quận, huyện chưa được chú trọng. Sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa có nhiều vùng sản xuất đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, ISO, GlobalGAP, Hữu cơ… Chất lượng sản phẩm của từng mùa vụ chưa đồng đều, tỷ lệ sản phẩm truy xuất nguồn gốc còn thấp.
Việc triển khai thực hiện mô hình liên kết sản xuất là hướng đi bền vững, tuy nhiên trong quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, tư duy sản xuất gắn với tiêu thụ hàng hóa còn hạn chế, tỷ lệ nông sản hàng hóa được tiêu thụ thông qua hợp đồng còn thấp.
Chính sách khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp chưa thực sự thu hút được các hộ, các doanh nghiệp đầu tư, nhất là lĩnh vực chế biến nông sản, giết mổ gia súc, gia cầm; phát triển chuỗi còn thiếu tính bền vững. Chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn tham gia sản xuất, kinh doanh, phân phối sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi.
Để khắc phục, Hà Nội cần phải thực hiện giải pháp đồng bộ gồm: Một là đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về ATTP. Biểu dương các điển hình tiên tiến, mô hình sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn. Công khai tổ chức, cá nhân vi phạm an toàn thực phẩm bị xử lý theo quy định. Chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông của Trung ương và Hà Nội đa dạng các hình thức tuyên truyền, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, phản ánh đúng đắn công tác quản lý vật tư nông nghiệp và bảo đảm ATTP nông lâm thủy sản. Phát hành các ấn phẩm, tài liệu tuyên truyền về phát triển nông nghiệp, xúc tiến thương mại, kết nối, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn.
Hai là quy hoạch phát triển nông nghiệp, quy hoạch giết mổ. Quản lý, phát triển sản xuất và tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn. Mở rộng tổ chức sản xuất tập trung gắn với ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ và hệ thống quán lý chất lượng tiên tiến. Tăng đầu tư cải thiện điều kiện vệ sinh ATTP trong giết mổ, sơ chế, bảo quản, kinh doanh nông lâm thủy sản. Hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tổ chức liên kết, nhân rộng các chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản chất lượng, an toàn.
Ba là tăng cường tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chuyển mạnh sang kiểm tra, thanh tra đột xuất, xử lý kịp thời, nghiêm túc các vi phạm về chất lượng, ATTP. Tổ chức lấy mẫu giám sát thực phẩm nông lâm thủy sản trên diện rộng, phát hiện, truy xuất nguồn gốc và yêu cầu khắc phục triệt để các vi phạm.
Bốn là tăng cường công tác quản lý chế biến, thương mại nông sản, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn. Tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình phối hợp giữa Bộ NN-PTNT và UBND TP Hà Nội “Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng, giá trị chuỗi cung ứng nông, lâm thủy sản giữa TP Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước giai đoạn 2021-2025″. Duy trì và phát triển ứng dụng hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QRcode truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản an toàn trên địa bàn thành phố Hà Nội. Quản lý, phát triển chợ thương mại điện tử tiêu thụ sản phẩm nông lâm sản thủy sản an toàn. Hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm nông sản bảo đảm chất lượng ATTP.
Năm là khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn và đầu tư nâng cấp dây chuyền thiết bị, đổi mới công nghệ nhằm sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng tốt, đảm bảo ATTP.
Công tác dự báo thị trường tiêu thụ thực phẩm còn chưa theo kịp với tình hình sản xuất thực phẩm. Kế hoạch sản xuất chưa gắn với nhu cầu của thị trường dẫn đến một số sản phẩm hàng hóa sản xuất cung vượt cầu, dư cung lớn ảnh hưởng đến giá cả, khó khăn trong tác tiêu thụ. Lực lượng làm công tác quản lý ATTP tại tuyến quận, huyện, xã, phường là kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi, chuyên môn chưa phù hợp, dẫn đến công tác tham mưu cho chính quyền địa phương chưa hiệu quả.
Nguồn: https://nongsanviet.nongnghiep.vn/vi-an-toan-thuc-pham-cho-nguoi-dan-thu-do-nhung-vuong-mac-can-thao-go-d389152.html