“Đường kính phần tối của vết đen trên Mặt trời (gọi là umbra) bằng với đường kính của Trái đất”, các nhà khoa học cho biết.
Hình ảnh về vết đen này được Kính viễn vọng Inouye của Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ đặt trên đảo Maui của Hawaii chụp lại.
Vết đen trên Mặt trời đường kính bằng với đường kính của Trái đất. (Ảnh: NASA)
Inouye là kính viễn vọng nghiên cứu Mặt trời lớn nhất trên thế giới, được thiết kế để thực hiện các phép đo về vết đen Mặt trời, vệt sáng Mặt trời, các vụ phóng khối lượng và từ trường của Mặt trời.
Với việc có thể cung cấp các hình ảnh có độ phân giải cao về Mặt trời, nó đóng vai trò nền tảng trong việc tìm hiểu sâu hơn về ngôi sao gần nhất với chúng ta cũng như cách Mặt trời tác động lên Trái đất thông qua các vụ phun trào.
Kính viễn vọng này bắt đầu các quan sát khoa học đầu tiên vào ngày 23/2.
Các quan sát từ Inouye cho phép các nhà khoa học lần đầu tiên quan sát được hiện tượng tái kết nối từ tính vốn rất khó nắm bắt.
“Thực hiện những quan sát khoa học đầu tiên với Kính viễn vọng Mặt trời Inouye đánh dấu một khoảnh khắc thú vị đối với cộng đồng khoa học mặt trời. Nó hiện là nền tảng giúp nâng cao hiểu biết về Mặt trời bằng cách mang đến các cơ hội quan sát cho cộng đồng nghiên cứu. Nó là một yếu tố thay đổi cuộc chơi”, nhà thiên văn Thomas Rimmele, giám đốc dự án Kính viễn vọng Mặt Trời Inouye cho hay.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/vet-den-khong-lo-rong-bang-trai-dat-tren-mat-troi-192544706.htm