Theo quan sát từ các cảnh quay ghi lại bởi kênh truyền hình CNN và các chuyên gia về đạn dược, những quả bom nặng 2.000 pound (khoảng 900 kg) do Mỹ sản xuất có khả năng đã được sử dụng trong cuộc tấn công của Israel nhằm sát hại thủ lĩnh Hezbollah là Hassan Nasrallah tại thủ đô Beirut, Lebanon vào đêm 27/9.
Ảnh chụp màn hình video do quân đội Israel chia sẻ cho thấy các máy bay phản lực mà họ sử dụng để thực hiện cuộc tấn công mang theo những quả bom hạng nặng. (Nguồn: Lực lượng phòng vệ Israel) |
Đoạn video do quân đội Israel công bố hôm 28/9 cho thấy các máy bay phản lực thực hiện cuộc tấn công mang theo ít nhất 15 quả bom nặng khoảng 2.000 pound, bao gồm cả loại BLU-109 do Mỹ sản xuất, theo ông Trevor Ball, một cựu kỹ thuật viên vật liệu nổ cấp cao của quân đội Mỹ – người đã kiểm tra lại đoạn phim cho CNN.
Hô biến vũ khí thường thành vũ khí “thông minh”
Những quả bom, thường gọi là “bom phá boongke” vì khả năng xuyên sâu xuống lòng đất trước khi phát nổ, cũng được trang bị cả đạn tấn công trực tiếp chung (JDAM) do Mỹ sản xuất. Loại vũ khí này là một bộ dẫn đường chính xác, có khả năng chuyển đổi bom không dẫn đường hoặc bom câm thành bom “thông minh” với xác suất cao trong tấn công chính xác mục tiêu, ông Trevor Ball cho biết. Ông cũng xác định trên một chiếc máy bay lúc đang cất cánh trong video có ít nhất bốn quả là BLU-109 với bộ dụng cụ JDAM.
Ông phán đoán rằng, có thể chiến dịch này đã sử dụng cả các loại bom lớn khác, nhưng trong đoạn phim chỉ nhìn thấy được loại bom BLU-190. Thứ vũ khí này chứa 535 pound thuốc nổ, ít hơn đáng kể so với bom MK84 – một loại bom khác nặng 2.000 pound thường được quân đội Israel sử dụng. Theo ông, BLU-109 có thể xuyên thủng mục tiêu tốt hơn so với MK84.
Video và hình ảnh mà CNN định vị địa lý đến hiện trường vụ tấn công ở vùng ngoại ô phía Nam Beirut, được gọi là Dahiyeh, cho thấy một hố lớn, sâu, bao quanh bởi đống đổ nát do các tòa nhà bị phá hủy. Phân tích video và hình ảnh vệ tinh của CNN xác nhận bốn tòa nhà chung cư nhiều tầng đã bị san phẳng trong vụ tấn công.
Hai quan chức quốc phòng cấp cao của Israel nói với tờ New York Times rằng họ sử dụng 80 quả bom trong cuộc tấn công nhằm vào thủ lĩnh Nasrallah.
Phân tích của chuyên gia cho thấy con số trên khá hợp lý nhưng rất khó để biết được chính xác nếu chỉ dựa trên hình ảnh có sẵn về hố bom.
“Có khả năng còn nhiều hố bom tương tự khác mà các mảnh vỡ của tòa nhà đã sụp xuống và lấp lên. Người ta cũng không biết các cơ sở ngầm này sâu và rộng đến mức nào. Điều đó khiến việc ước tính số lượng đạn dược đã sử dụng trở nên cực kỳ khó khăn”, ông nói.
Ông Justin Bronk, nghiên cứu viên cao cấp về sức mạnh không quân và công nghệ tại Viện Royal United Services ở London, cũng phân tích cảnh quay và cho biết các máy bay của Không quân Israel mang theo bộ dẫn đường JDAM và các hố bom để lại sau cuộc tấn công cho thấy phù hợp với việc sử dụng bom BLU-109 nặng 2.000 pound.
“Nó phù hợp với cấu hình tấn công và cài đặt ngòi nổ xuyên phá và đầu đạn lớn cần thiết để tạo ra loại hố bom đó”, ông Bronk nói thêm rằng sự kết hợp giữa bom BLU-109 và bộ JDAM là “những gì người ta sử dụng để truy đuổi những mục tiêu bị che lấp và kiên cố”.
Một trong những máy bay của không quân Israel đã được sử dụng trong cuộc tấn công nhằm vào thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah. (Nguồn: Lực lượng phòng vệ Israel) |
Truy đuổi chính xác mục tiêu dưới lòng đất
Quân đội Israel không công bố cảnh quay khoảnh khắc họ thả bom, nhưng các video lan truyền trên mạng xã hội vào ngày 27/9 cho thấy những vụ nổ lớn ở Dahiyeh, nơi cuộc tấn công được thực hiện hướng vào trụ sở ngầm của thủ lĩnh Nasrallah.
Ông Bronk trao đổi với CNN rằng, người ta nhìn thấy nhiều luồng khói chứng tỏ có nhiều vụ nổ gần như đồng thời của những quả bom nặng 2.000 pound, với ngòi được thiết kế để kích nổ dưới lòng đất.
Trả lời báo chí hôm 28/9, Chuẩn tướng Amichai Levin, chỉ huy căn cứ không quân Hatzerim của Israel, cho biết “hàng chục quả đạn đã bắn trúng mục tiêu trong vòng vài giây với độ chính xác rất cao”, đồng thời nói thêm rằng đó là “điều cần thiết phải làm khi tấn công vào sâu dưới lòng đất”.
Quân đội Israel đã nhiều lần sử dụng bom 2.000 pound trong các chiến dịch tấn công ở Gaza. Các chuyên gia về vũ khí cho rằng việc sử dụng rộng rãi các loại đạn dược hạng nặng như vậy là nguyên nhân gây ra số lượng người chết lớn.
Loại bom 2.000 pound có thể gây ra nhiều thương vong một phần do khả năng tác động quy mô lớn của chúng. Bán kính nổ (hoặc bán kính phân mảnh) gây chết người của loại vũ khí này lên tới 365 mét, tương đương với độ rộng của 58 sân bóng đá.
Người dân tập trung tại địa điểm ám sát thủ lĩnh Hassan Nasrallah ở vùng ngoại ô phía Nam Beirut vào ngày 29/9. (Nguồn: AP) |
Hồi tháng 5/2024, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden từng cho biết họ đã tạm dừng việc vận chuyển bom tới Israel vì lo ngại về khả năng chúng được sử dụng trong cuộc tấn công vào Rafah và nguy cơ gây hại cho dân thường.
Các cuộc không kích của Israel tại Lebanon vẫn tiếp tục diễn ra với tốc độ nhanh. Quân đội Israel cho biết họ vẫn đang “càn quét” Hezbollah, và sẽ thực hiện các cuộc tấn công bằng máy bay chiến đấu vào khoảng 45 mục tiêu gần một ngôi làng ở miền Nam Lebanon.
Theo số liệu mới nhất từ Cơ quan y tế tại khu vực này, chiến dịch của Israel tại Gaza đã làm chết hơn 41.500 người Palestine và làm bị thương hơn 96.000 người khác. Israel đã phát động cuộc tấn công trên bộ và cả không kích vào dải đất này để đáp trả cuộc tấn công do lực lượng Hamas cầm đầu vào ngày 7/10, làm thiệt mạng khoảng 1.200 người và 251 người bị bắt làm con tin.
Nguồn: https://baoquocte.vn/ven-man-chi-tiet-loai-vu-khi-hang-nang-lam-thiet-mang-thu-linh-toi-cao-cua-hezbollah-288786.html