Tôn vinh nét văn hoá truyền thống
Câu chuyện được nhìn qua những bức ảnh công phu này đã kể về làng Bàu Trúc thuộc khu phố 7, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, có tuổi đời hàng trăm năm, được xem là làng gốm cổ xưa nhất ở Đông Nam Á đến nay còn bảo lưu khá tốt kỹ thuật làm gốm hoàn toàn thủ công. Nghệ thuật làm gốm của người Chăm ở Việt Nam đã được Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) đưa vào danh mục Di sản Văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Điều đặc biệt là người Chăm làm gốm với kỹ thuật và quy trình thủ công truyền thống được các gia đình, nghệ nhân duy trì qua nhiều đời theo chế độ mẫu hệ “mẹ truyền – con nối”. Nơi đây được xem như một bảo tàng gốm truyền thống của người Chăm sinh sống tại Ninh Thuận và các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ…Những điều đặc biệt ấy đã thôi thúc góc máy của nhà báo Trần Huấn tìm đến và khai thác.
Dù trải qua bao thăng trầm theo tiến trình phát triển, gốm truyền thống của người Chăm vẫn tồn tại với thời gian, vẫn giữ được hồn cốt tinh túy và vẻ đẹp hoang sơ, mộc mạc nhưng cũng đầy tính nghệ thuật của vùng gốm cổ. Từ bàn tay khéo léo và kỹ thuật truyền thống người dân nơi đây đã thổi hồn cho đất thành những sản phẩm, vật dụng có tính nghệ thuật và thẩm mỹ cao tạo nên giá trị độc đáo và trường tồn của gốm Chăm.
Luôn mong muốn thông tin nhanh nhạy, kịp thời và rộng khắp, quảng bá, giới thiệu và bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa dân tộc, nhà báo Trần Huấn đã dành nhiều thời gian để thực hiện tác phẩm báo chí “Người thổi hồn cho đất thành Di sản thế giới” để đóng góp một phần nhỏ bé vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá của ông cha.
Nhà báo Trần Huấn chia sẻ: “Di sản này là nghề thủ công truyền thống độc đáo làm hoàn toàn bằng bàn tay khéo léo với kỹ thuật truyền thống và sử dụng các công cụ đơn giản để tạo ra những sản phẩm vô cùng độc đáo, có tính nghệ thuật, thẩm mỹ cao. Chủ thể văn hóa và người thực hành chủ yếu là phụ nữ Chăm. Qua khai thác thông tin, hiện nay nghệ nhân, người làm gốm còn rất ít, di sản có nguy cơ mai một quá trình đô thị hóa ảnh hưởng đến không gian của làng nghề, nguồn nguyên liệu sẵn có, chi phí cho nguyên liệu tăng cao, nghệ nhân lành nghề tuổi cao, thế hệ trẻ không hứng thú với nghề, sản phẩm thiếu sự đa dạng…Từ những ý tưởng đấy tôi đã xây dựng đề cương và được Ban Biên tập ủng hộ, góp ý để tôi tiến hành sáng tác tại làng gốm Bàu Trúc thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận”.
Giống như nhiều đồng nghiệp khác, đối với phóng viên văn hóa như nhà báo Trần Huấn cũng phải phải đối diện với rất nhiều áp lực về lựa chọn và tìm ra đề tài thu hút độc giả. Việc tham gia các sự kiện văn hóa thể thao du lịch cũng yêu cầu tác nghiệp nhanh, thông tin khách quan, trung thực và tính chính xác, có tin bài gửi về cơ quan nhanh nhất.
Người làm báo theo mảng văn hóa luôn phải đi tìm hiểu, khám phá, tìm ra những nội dung đề tài mang tính đột phá mà người khác chưa thấy. Bên cạnh đó, mỗi phóng viên cần chịu khó tích lũy kiến thức, kinh nghiệm tác nghiệm mới tạo ra những tác phẩm vừa có chiều sâu về nội dung lại mang tính mềm mại, vừa phải “thổn hồn” để tác phẩm của mình hấp dẫn ngay trong cách thể hiện.
Giữ mãi giá trị độc đáo và trường tồn của di sản
Tác phẩm “Người thổi hồn cho đất thành Di sản thế giới” được nhà báo Trần Huấn xây dựng đề cương một cách kỹ càng, từ ý tưởng nội dung, bố cục, ánh sáng, không gian, thời gian tác nghiệp…Tuy nhiên khi đi vào thực tế có nhiều khó khăn nẩy sinh. Vì hiện nay số lượng nghệ nhân và người làm gốm còn rất ít và không thường xuyên làm, làm rải rác trong một không gian làng rộng lớn, sản phẩm làm không đa dạng. Không những thế, đây là lĩnh vực chụp được thì không khó nhưng đẹp và có cảm xúc thì không hề dễ.
Theo anh, các bức ảnh phải thể hiện được tính cần cù chịu khó người làm gốm, từ dáng người mềm mại uốn theo bàn kê với đôi bàn tay khéo léo, đến cách làm tỉ mỉ chà láng tạo sự bong đẹp cho sản phẩm, bên cạnh đó là ánh mắt và tâm hồn, sự tập trung để tạo ra các sản phẩm có tính thẩm mỹ cao…Đặc biệt, đây lại là những nghệ nhân đầy tâm huyết giữ nghề, mong muốn truyền dạy cho thế hệ trẻ, đồng thời quảng bá nghệ thuật làm gốm cho du khách trong và ngoài nước thấy nghệ thuật làm gốm của người Chăm sẽ được lưu giữ và trường tồn.
Tất cả những khoảnh khắc, bố cục, ánh sáng, khuôn hình vì thế cần có sự tính toán cẩn thận để tạo lên một tác phẩm hoàn chỉnh, tạo ấn tượng sâu sắc đến người xem…Và đó cũng chính là những sức ép không nhỏ trong sáng tạo đối với người phóng viên ảnh. Để có những bức ảnh sinh động, chân thực, để người xem dễ hình dung về giá trị làng gốm Bàu Trúc Ninh Thuận, anh Trần Huấn đã dành hơn một tuần để tiếp cận làm quen, gắn bó cùng bà con tại làng gốm này
Nhà báo Trần Huấn tâm sự: Qua tác phẩm này tôi muốn gửi đến cho độc giả và những người yêu nghệ thuật gốm sứ, yêu nét văn hoá truyền thống thấy được vẻ đẹp trong lao động của người làm gốm, sự sáng tạo, tỉ mỉ, hết lòng với nghề. Dù trải qua bao thăng trầm theo tiến trình phát triển, gốm truyền thống của người Chăm vẫn được lưu truyền, tồn tại với thời gian, vẫn giữ được hồn cốt tinh túy và vẻ đẹp hoang sơ, mộc mạc nhưng cũng đầy tính nghệ thuật của vùng gốm cổ.
Có thể nói trong bối cảnh đời sống kinh tế thị trường, những tác động mặt trái đã tạo sức ép, thách thức không nhỏ đối với công tác bảo vệ, gìn giữ, phát huy giá trị nguyên gốc của các di sản. Với vai trò và trách nhiệm của mình, những nhà báo theo lĩnh vực văn hóa đã và đang góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam. Mỗi bức ảnh của nhà báo Trần Huấn góp phần không nhỏ trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng cùng chung tay gìn giữ di sản…