Từ QL1A theo con đường trải nhựa rộng rãi đi chừng 4 cây số về hướng biển là đến chân núi. Từ xa xưa người dân địa phương nơi đây đã đặt cho những ngọn núi này cái tên rất dân dã là “núi Ba Hòn”. Bởi giữa không gian mênh mông, bằng phẳng xã Hàm Kiệm lại nổi lên 3 ngọn núi không cao lắm; núi này cách núi kia khoảng 100m, trên núi cây rừng và cây tre đan xen san sát nên lối mòn lên núi rất ít. Để đến chân núi, chúng tôi phải đi qua cánh đồng thanh long bạt ngàn xen lẫn với những vườn mít, vườn xoài trĩu quả. Ngay chân núi nước suối chảy róc rách xen lẫn với âm thanh ríu rít của tiếng chim rừng. Những chú khỉ thấy bóng người liền nhảy nhanh vào bụi cây rậm rồi ngoảnh đầu nhìn lại như cảnh giác với muôn vật xung quanh. Những ngày tháng 4 lịch sử, không chỉ có chúng tôi mà rất nhiều đoàn phượt cũng về nguồn “núi Ba Hòn” tìm hiểu hoạt động cách mạng nơi đây. Bởi, trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước khu vực bưng Cò Ke – núi Ba Hòn là nơi đứng chân của Thị ủy Phan Thiết để lãnh đạo quân và dân đánh Pháp và Mỹ xâm lược. Và trong 2 cuộc kháng chiến ấy tại bưng Cò Ke, bưng Bà Tùng, bưng Bí của núi Ba Hòn là căn cứ cách mạng vững chắc, góp phần cùng quân dân cả nước làm nên những chiến tích vẻ vang. Đặc biệt là căn cứ cách mạng tại bưng Cò Ke – núi Ba Hòn, lực lượng cách mạng đã liên tục tiếp tế phục vụ yêu cầu cuộc kháng chiến tại thị xã Phan Thiết qua QL1A hoặc nhiều lần bí mật đánh chặn các cuộc hành quân của địch bằng xe cơ giới trên tuyến quốc lộ, tỉnh lộ.
Núi Ba Hòn
Cụ Lê Hoàn – một cựu chiến binh ngụ tại xã Hàm Kiệm cho biết: “Những năm chiến tranh chống Mỹ cứu nước, hoạt động cách mạng ở căn cứ Ba Hòn cực kỳ khó khăn, có lúc chỉ toàn ăn củ mì, khoai lang, nhưng tinh thần chiến đấu thì rất hăng. Địa hình nơi đây có rừng bao phủ, cây cối rậm rạp, có nguồn nước ngọt từ các bưng chảy ra quanh năm và gần đường giao thông nên rất thuận lợi cho hoạt động cách mạng. Cơ sở cách mạng tại Ba Hòn đã làm cầu nối để lực lượng chủ lực tập kích sân bay Êsepic Bình Thuận, trận đánh Chi khu Hàm Thuận tại ngã 2 Hàm Mỹ; tấn công căn cứ Đồn 18 thuộc địa bàn xã Hàm Cường năm 1971…”.
Theo con đường mòn chúng tôi lên lưng chừng ngọn núi giữa, tại đây có một ngôi chùa vắng người. Trong khuôn viên chùa được đặt tượng Phật Thích Ca và cạnh đó là chú voi thủ phục dâng hoa lên tượng Phật, không gian nơi đây tĩnh lặng. Lão nông Nguyễn Thành Lê, xã Hàm Kiệm đang chăm sóc vườn xoài dưới chân núi chia sẻ: “Mùa này nắng và gió nhiều nên cây cối ngả màu vàng úa, song khi mùa mưa đến cây rừng xanh thẳm, đẹp lắm. Thi thoảng có các đoàn phượt thủ đến tham quan, khám phá, tìm hiểu truyền thống cách mạng ở núi Ba Hòn. Nơi đây nếu được quy hoạch xây dựng khu du lịch sinh thái hoặc du lịch tìm hiểu lịch sử, truyền thống cách mạng thì có ý nghĩa rất lớn trong việc giáo dục thế hệ trẻ…”.
Thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất Hàm Kiệm (Hàm Thuận Nam) những ngọn núi đẹp giữa vùng đất bằng phẳng tràn ngập màu xanh của thanh long, vườn mít, vườn xoài trĩu quả. Địa danh núi Ba Hòn, bưng Cò Ke… mang nhiều dấu tích lịch sử cách mạng ngày càng trở nên quen thuộc không chỉ với người dân địa phương mà cả lữ khách, phượt thủ đam mê khám phá những điều mới lạ.