Trong không gian xanh ngát của núi rừng, cuộc sống của các tộc người bản địa Tây Nguyên là sự luân canh trên một phạm vi nhất định, cùng với việc tổ chức không gian buôn làng theo những quy định khắt khe của luật tục.
Dần theo thời gian, không gian Tây Nguyên trở thành miền đất màu mỡ cho những ai ham mê tìm hiểu về đời sống tộc người, về văn hóa truyền thống của những cộng đồng gắn chặt cuộc đời mình vào chu kỳ nông nghiệp hỏa canh.“Nước có nguồn – người có buôn”, câu nói hàm nghĩa ví von nhưng lại ẩn chứa bên trong rất nhiều ý nghĩa.
Sinh tồn trong khu vực với hai mùa nắng, mưa rõ rệt, nước thực sự quý giá. Cuộc sống con người cũng thế, họ luôn song hành cùng với những thịnh suy của buôn làng, một cuộc sống “cộng sinh, cộng cảm và cộng mệnh” trên nhiều phương diện.
Như với tộc người Ê Đê, một đứa trẻ, ngay từ khi mới sinh ra, nghi lễ thổi tai được tiến hành như một hình thức bắt buộc. Phải sau nghi lễ này, đứa trẻ mới nghe được, hiểu được và có những cảm thông đối với cộng đồng.
Nhiều nghi lễ diễn ra sau đó khi đứa trẻ trưởng thành, lập gia đình, sinh con đẻ cái, cho đến lúc mất đi và về lại với rừng, tạo thành một chu kỳ của vòng đời.
Hoặc những lễ tiết liên quan đến chu kỳ nông nghiệp hỏa canh như phát rẫy, gieo hạt, mừng lúa mới, làm nhà mới… đều gắn với cộng đồng, vì sự phồn thịnh của cộng đồng. Và như một thực thể cộng sinh, loại hình diễn xướng sử thi trong những nghi lễ này luôn là phần không thể thiếu.