Đó là tên gọi của Mô hình Dân vận khéo được Ban Chỉ huy Quân sự huyện Đạ Tẻh, Hội Cựu chiến binh, Trung tâm Y tế và Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện phối kết hợp để cùng ăn, ở, làm với người dân.
Lực lượng vũ trang, cán bộ của các đơn vị đã thực hiện nhiều phần việc có ý nghĩa đối với bà con Nhân dân
Xuất phát thực tế của địa phương, Mô hình Về với buôn làng – 3 cùng Nhân dân đã được xây dựng và triển khai thực hiện vào đầu năm 2023. Qua đó, mô hình được diễn ra trong 2 ngày liền kề và thực hiện 1 quý/ lần/thôn. Trung tá Hoàng Trọng Quế – Chính trị viên Phó Ban Chỉ huy Quân sự huyện Đạ Tẻh chia sẻ: “Về với buôn làng – 3 cùng Nhân dân là cái tên thân thương được các đơn vị cùng phối hợp đặt tên với ý nghĩa được về để hòa mình cùng với bà con địa phương. Không phải ngẫu nhiên mà các đơn vị cùng phối hợp lại đặt cái tên này bởi lẽ “3 cùng Nhân dân” có nghĩa là ăn cùng dân, ở cùng dân và làm cùng dân”.
7 giờ sáng, tại thôn Đạ Nhar (xã Quốc Oai), gần 200 cán bộ, công chức, viên chức xã và cán bộ, công chức, viên chức, hội viên và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang huyện đã có mặt để sẵn sàng cho hai ngày về gần dân.
Xuyên suốt mô hình, lực lượng tham gia làm dân vận phối hợp triển khai thực hiện nhiều nội dung, hoạt động như tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; khám bệnh, cấp phát thuốc, cắt tóc miễn phí; trồng cây, trồng hoa, dọn dẹp vệ sinh dọc các tuyến đường; giúp đỡ các hộ gia đình chính sách, gia đình hộ nghèo sửa nhà, phát cỏ, làm vườn, rẫy. Tối muộn, bên ngọn lửa hồng bập bùng, họ trao cho nhau những lời tâm sự, gửi gắm tin yêu của bà con Nhân dân dành cho quê hương, đất nước.
Là hộ dân được các đơn vị chọn giúp đỡ, thực hiện mô hình trồng rau nhíp, trên khuôn mặt rạng ngời với ánh mắt chan chứa niềm tin yêu, vui mừng, ông K’Cừu chia sẻ: “Hai ngày được cán bộ, chiến sĩ và chính quyền địa phương giúp đỡ, chúng tôi thật sự phấn khởi và an tâm. Có lẽ không chỉ với tôi, mà bà con ở đây ai cũng như tôi, đều rất vui mừng, cảm động khi nhận được sự quan tâm, sẻ chia từ các cán bộ khi đã về đây cùng ăn, cùng ở và cùng làm với bà con”.
Tham gia cùng lực lượng chiến sĩ, cán bộ và chính quyền địa phương, bà Ka Dụ – Trưởng thôn Đạ Nhar hỗ hởi: “Thôn Đạ Nhar hiện có 336 hộ và 1.275 nhân khẩu. Ở đây bà con chủ yếu là người đồng bào dân tộc Mạ. Những năm qua, chính quyền địa phương luôn tạo mọi điều kiện để khuyến khích, hỗ trợ người dân nơi này phát triển kinh tế và có đời sống ấm no, ổn định. Gần nhất, các đơn vị đã phối hợp tổ chức đợt dân vận khéo và tạo dấu ấn khó quên đối với bà con địa phương. Qua đó, lực lượng đã hoàn thành việc làm cỏ, trồng hoa 3 km đường liên thôn, đào hố cây trồng rau nhíp, khám, cấp thuốc cho 50 lượt người và biểu diễn tiết mục văn nghệ tại hội trường thôn… Bà con không nói ra thôi, nhưng mình biết, ai nẩy cùng đều biết ơn nhiều lắm!”.
Theo đánh giá của các đơn vị cùng phối hợp thực hiện, mặc dù mới được triển khai ở hai thôn, nhưng mô hình nói trên thực sự đã lan tỏa tinh thần, trách nhiệm cũng như tình cảm của lực lượng vũ trang, các ban, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương dành cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.
Không chỉ dừng lại ở thôn Đạ Nhar (xã Quốc Oai) hay Tôn K’Long (xã Đạ Pal), mô hình vẫn sẽ tiếp tục diễn ra ở các thôn, buôn trên địa bàn huyện Đạ Tẻh. Chính trị viên Phó Ban Chỉ huy Quân sự huyện Đạ Tẻh nhấn mạnh: Đây là hoạt động có ý nghĩa thể hiện tình cảm sâu sắc của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện dành cho Nhân dân với mục đích thắt chặt nghĩa tình quân dân và mối quan hệ gắn bó giữa Nhân dân với Đảng trên tinh thần “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân, có trách nhiệm với dân”. Qua đó, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân để góp phần xây dựng địa phương ngày càng giàu đẹp, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở, chung sức xây dựng nông thôn mới. Hiện, trên địa bàn huyện Đạ Tẻh, bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên gồm Mạ và K’Ho chủ yếu sống tập trung tại các thôn Đạ Nhar (xã Quốc Oai), Con Ó (xã Mỹ Đức), Tố Lan (xã An Nhơn), Tôn K’Long (xã Đạ Pal) và xen kẽ ở một số tổ dân phố thị trấn Đạ Tẻh; dân tộc thiểu số phía Bắc vào lập nghiệp từ 1990-1992 gồm Tày, Nùng, Mường, Dao, Thái… sống rải rác ở các xã, thị trấn, tập trung nhiều ở xã An Nhơn và thị trấn Đạ Tẻh.
Những năm qua, mặc dù huyện Đạ Tẻh đã có nhiều đổi thay, đời sống ngày càng phát triển, song kinh tế của một số người dân vùng dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn. Với sự giúp sức và sẻ chia, trong những năm qua, các thôn, buôn đều nhận được sự quan tâm từ chính quyền địa phương và các mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh với mong muốn cùng bà con thực hiện nhiều phần việc ý nghĩa để góp phần xây dựng quê hương Đạ Tẻh ngày càng giàu đẹp, văn minh.