Về việc đặt tiền cọc mua đất nhưng giữa chừng bị hủy hợp đồng

Báo Bến TreBáo Bến Tre13/05/2023


Ông Nguyễn Hữu Tá có nhu cầu tư vấn: Tháng 4-2022, tôi đặt cọc 400 triệu đồng mua mảnh đất 170m2 của ông A (trị giá 800 triệu đồng), trong đó có nhà cấp 4 diện tích 80m2. 400 triệu đồng còn lại, tôi hẹn khi nào hoàn tất giấy tờ chuyển nhượng sẽ thanh toán hết cho ông. Tháng 6-2022, ông A cho rằng em ruột của ông không đồng ý bán đất (170m2) và yêu cầu hủy hợp đồng vì lý do ngoài ý muốn. Xin hỏi: Ông A có phải bồi thường tiền đặt cọc cho tôi hay không? Tôi phải làm sao?

Thắc mắc của ông được luật sư Nguyễn Văn Tặng (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:

- Theo thông tin ông cung cấp thì tháng 4-2022, ông đặt cọc 400 triệu đồng để mua đất của ông A; tháng 6-2022, ông A yêu cầu hủy hợp đồng vì lý do ngoài ý muốn.        

Theo quy định tại Điều 328 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 thì:

“1. Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.

2. Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.

Tuy nhiên, ông không cho biết việc đặt cọc có được lập thành văn bản hay không. Giữa ông và ông A có thỏa thuận điều khoản nếu một trong hai người tự ý thay đổi ý kiến thì sẽ giải quyết tiền cọc như thế nào? Do vậy, luật sư sẽ chia thành 2 trường hợp để tư vấn, cụ thể như sau:    

- Nếu việc đặt cọc có thỏa thuận bằng văn bản, trong đó có thỏa thuận điều khoản giải quyết tiền đặt cọc và việc bồi thường thì việc trả lại tiền đặt cọc và bồi thường tiền đặt cọc được thực hiện theo thỏa thuận của hai bên.

- Nếu hai bên không có thỏa thuận điều khoản giải quyết tiền đặt cọc và bồi thường tiền đặt cọc: Căn cứ vào khoản 2, Điều 328 BLDS “… nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc…”.

Vậy nếu ông A (bên nhận đặt cọc) từ chối việc thực hiện hợp đồng thì phải trả cho ông (bên đặt cọc) tài sản đặt cọc là 400 triệu đồng và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc là 400 triệu đồng.

Trường hợp của ông, ông có thể gặp ông A để thương lượng giải quyết trước. Nếu không thể thương lượng được, ông có thể khởi kiện tại tòa án cấp huyện (nơi ông A cư trú) yêu cầu ông A phải trả lại số tiền đặt cọc là 400 triệu đồng và bồi thường tiền đặt cọc cho ông.

H. Trâm (thực hiện)



Source link

Bình luận (0)

No data
No data

No videos available