(ĐS 21/6) – 1. Quê tôi từng mang tên Thăng An, một vùng quê nghèo, nổi tiếng khoai lang Trà Đỏa ở huyện Thăng Bình, vậy mà đã sản sinh ra nhiều nhà báo so với các vùng quê khác tôi biết. Tôi gọi là quê của nhiều nhà báo.
Lâu nay mỗi lần nhắc đến quê, thường chỉ nói đến hình ảnh một làng quê nghèo với những bãi cát trắng lóa mắt, mấy xóm nhà dân thưa, những bờ thổ cao như những bức tường thành bằng cát.
Năm học lớp hai, đường đến trường dưới bóng cây theo bờ con suối luôn róc rách về mùa khô, mưa một trận to thì nước chảy ào ào, lũ nhóc chúng tôi không tài nào qua được, phải chờ mấy bác nông dân cõng qua cho.
Năm lớp bốn, tôi học trong một ngôi đền, thuộc xã Bình Sa, thầy giáo Nguyễn Dưỡng dạy, có ông từ giữ đền, lưng còng, không biết ai nói mà bọn học trò chúng tôi gọi là ông Từ Mài.
Mỗi lần đi học, lội mỏi chân qua hai động cát không một bóng cây. Đi học về trưa, mùa nắng, khi nào trên tay cũng cầm theo nhành lá, có khi là dương liễu, có khi lá mù u, vừa đi, vừa chạy, mệt quá thì thả nhành lá xuống đất, đứng lên trên lá nghỉ cho khỏi nóng hai bàn chân.
Từ ngôi trường làng, tôi quen hai bạn học, nhà ở gần đầu chợ Hưng Mỹ, xã Bình Triều, là Trần Tiến và Nguyễn Ngọc Trác.
Tôi không gặp lại Nguyễn Ngọc Trác, sau chiến tranh chống Mỹ, mà gặp anh trai của Ngọc Trác trên chiến trường khu 5 thời đánh Mỹ, là anh Nguyễn Ngọc Báu – tên cha mẹ đặt cho nhà báo Nguyên Ngọc. Anh nổi tiếng từ khi có “Đất nước đứng lên”, “Rừng xà nu”, “Đường chúng ta đi”. “Cát cháy” – viết về đất và người Bình Dương”, “Làng” – kỷ niệm với sông Trường Giang”. Anh trở thành nhà văn.
Còn Trần Tiến, theo cha tập kết ra Bắc, khi vào chiến trường khu 5, anh là nhà báo Chu Cẩm Phong; anh từ biệt mọi người ở tuổi ba mươi, gọi anh là nhà văn khi anh để lại cho đời nhiều truyện ngắn, bút ký hay và hàng nghìn trang “Nhật ký chiến tranh”. Và, anh là nhà văn – liệt sĩ – Anh hùng Chu Cẩm Phong.
Lên lớp năm tôi học ở trong rừng Bồng – Thăng Tú. Từ nhà lên trường, đi ba cây số thì qua đường cái (quốc lộ 1), rồi theo con đường mòn nhỏ, quanh co trên bờ ruộng, qua mấy cánh đồng, đến con đập bổi, gọi là đập Ngọc Phô (nay thuộc xã Bình Tú). Lại qua một cánh đồng, rồi qua một khu rừng, gọi là rừng Bồng (nay thuộc xã Bình Chánh). Đường đi đất sỏi cấn đau hai bàn chân.
Từ Rừng Bồng đi thêm vài cây số thì đến nhà dì Bốn của tôi, thuộc xã Bình Quý. Nghỉ hè, má thường cho mấy anh em tôi lên thăm dì, lần nào má cũng gửi cho dì một trã cá biển. Trên đường đến nhà dì, chúng tôi ngang qua chợ Đo Đo.
Ai có thể ngờ, con đất toàn sỏi và cát pha, đồng đất gieo lúa trì uống nước trời, bên cái chợ quê ngày ấy, có một bà mẹ nghèo sinh được đứa con trai, thuở nhỏ cùng đi học và giữ bò với trẻ con trong làng, vào Sài Gòn vừa học vừa làm báo, viết không ngừng và trở thành nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, một nhà văn viết không hề cạn ký ức về tuổi thơ ở một vùng quê nghèo!
Khi trường Rừng Bồng dời về làng Tất Viên – Bình Phục, đi học lại phải lội qua qua hai trảng cát của ông Trợ Mân và ông Tú Lan. Trên trảng cát mênh mông vậy mà ông Tú Lan dựng nên cơ nghiệp lớn trong làng, với một bầy con, trong đó có người con trai tên Nguyễn Đức Dũng.
Các lớp học trò trong kháng chiến như cô, chú, dì của tôi, luôn nhớ đến thầy dạy văn Nguyễn Đức Dũng. Vì bị kẻ thù truy đuổi, không thể dạy nữa, không hoạt động cách mạng được, phải đổi vùng, ông rời quê cát.
Trong thời gian lẩn trốn và viết báo để mưu sinh nơi quê người, thầy giáo, nhà báo Nguyễn Đức Dũng trở thành nhà văn, ông lấy bút danh Vũ Hạnh – tên của một người bạn chiến đấu, quê Bình Nguyên. Mang tên Vũ Hạnh – một nhà cách mạng kiên cường, Nguyễn Đức Dũng trở thành nhà báo, vừa là một nhà văn nổi tiếng làm rạng rỡ quê nghèo!
Cũng từ vùng cát Bình Nguyên của nhà văn Vũ Hạnh, có một người con trai, bắt đầu sự nghiệp là làm thơ, nhưng rồi Nguyễn Công Khế nổi tiếng bằng nghề làm báo, Tổng biên tập Báo Thanh Niên, tờ báo thời cực thịnh có số lượng phát hành vào loại lớn nhất nước.
2. Quê tôi có con sông Trường Giang, không xuất phát từ suối nguồn mà chạy ngang theo chiều dài của tỉnh, hai đầu sông có hai cửa chính chảy ra biển là cửa Đại (Hội An) và cửa An Hòa (Kỳ Hà) và một cửa do nước sông xoáy lở, gọi là cửa Lở (Núi Thành).
Dọc ven sông Trường Giang từng có những ngôi chợ luôn tấp nập bán mua như chợ Bà, chợ Hưng Mỹ, chợ Lạc Câu, chợ Được, chợ Nồi Rang, chợ Tam Ấp… Khi đường bộ phát triển mạnh, khách gần như không đi theo đường sông, từ đó chợ ven sông cũng thưa dần kẻ bán người mua. Chợ buồn vì vắng người!
Tôi nhận ra nỗi đau của con sông quê mẹ mỗi lần về thăm. Đứng chỗ bến đò cuối chợ Hưng Mỹ, nhìn dòng sông không chảy, rác rưởi ngập tràn bờ, không thấy bóng một con đò, nhà cửa khu vực từng sầm uất ngày nào nay thưa hơn, nghèo hơn!
Khi con sông Trường Giang thưa dần những chuyến thuyền, không còn những bến đò tấp nập thì người ta biến sông thành những cái hồ nuôi tôm, mạnh ai nấy ngăn, mạnh ai nấy thả lưới, cắm chươm, cất rớ vây bắt cá, giăng nò bắt tôm, gây ách tắc dòng chảy, gây ô nhiễm môi trường, làm cho tôm sinh bệnh, làm cho cá không còn sinh sôi như ngày trước. Và cả rong bèo vốn là nguồn phân xanh không bao giờ cạn cho cây trồng trên cát, cũng không còn nguồn thở trong lành để sinh sôi.
Dân làng hai ven sông từng hưởng ân huệ trời cho bao đời (từ con sông), đau lòng nhìn con sông quê hương kéo dài sự sống trong quằn quại, thoi thóp. Khi các loại cá rất ngon như cá đối cồi, cá hanh, cá mú, cá bống cát… có nguy cơ tiệt nòi, khi tôm tự nhiên ngon lạ không còn chốn nương thân, tôm nuôi chết hàng loạt, người đánh bắt cá, người thả nò, người nuôi tôm làm ăn thất bát, nợ nần, trắng tay thì mới nhận ra nguy cơ khó cứu vãn.
Từ khi có chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm đường nông thôn, mỗi lần về thăm quê, tôi thích nhìn những con đường bê tông trên cát, nhìn các em học sinh đạp xe tung tăng đến các ngôi trường trong xã, trong thôn.
Tôi bỗng nhớ và thương sao tuổi nhỏ của chúng tôi! Chắc má tôi rất vui khi biết những người nông dân quê mình không còn quá cực như xưa, khi đã thay quang gánh bằng những chiếc xe máy, xe ba gác, đưa phân ra ruộng, đưa lúa khoai về nhà.
Mấy cái cầu tre gập ghềnh cong cong bắc qua sông Trường Giang, nối chợ Bà, chợ Hưng Mỹ với Duy Nghĩa, Bình Dương, Bình Đào, Bình Minh… đã được thay bằng mấy chiếc cầu bê tông cho cả ô tô chạy qua. Biết bao nhiêu cố gắng và công sức đã góp phần làm thay đổi bộ mặt vùng nông thôn, trong đó có những con đường trên cát.
Những năm gần đây, Quảng Nam trải thảm đỏ đón nhà đầu tư lớn đến mang theo các dự án tầm cỡ, nhằm khai thác khả năng to lớn của tuyến biển, tuyến sông, tuyến cát, nối Đà Nẵng vào Điện Bàn – Hội An, vượt sông Thu Bồn, qua vùng cát Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ vào Chu Lai – Núi Thành. Người dân nghèo nóng lòng chờ các dự án nhanh triển khai, di dời đến khu dân cư mới thì có chỗ ở ổn định, sớm có nhiều công ăn việc làm…
Những ngày có cây cầu đang bắc qua sông Thu Bồn nối Cửa Đại với Duy Nghĩa, con đường ven biển đã có nguồn kinh phí được giải ngân, bà con quê tôi mừng lắm. Họ cần cán bộ sâu sát, họ ngại cán bộ quan liêu. Họ cần có những bài báo góp ý, phê bình, lên án những việc làm tùy tiện, sai trái và họ rất cần những lời cổ vũ, động viên, hướng dẫn phương thức tiến đến tương lai giàu có.
Quê của các nhà báo đang là vùng quê vượt nghèo vươn lên xây dựng nông thôn mới, một vùng quê anh hùng – vùng đất có bao nhiêu là chuyện để các nhà báo, các nhà văn suy nghĩ, chiêm nghiệm và phát huy hết khả năng sáng tạo của mình!