Vào dịp hè và ngày cuối tuần nên du khách đến Cồn Bửng rất đông. |
Xe chúng tôi từ QL53 chạy bon bon đến QL60 qua cầu Cổ Chiên. Cầu Cổ Chiên bắc qua sông Cổ Chiên nối huyện Mỏ Cày Nam (Bến Tre) với huyện Càng Long (Trà Vinh). Cầu Cổ Chiên góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, mở rộng giao lưu văn hóa cho các tỉnh duyên hải khu vực ĐBSCL.
Nằm cách TP Bến Tre khoảng 70km, biển Cồn Bửng (biển Thạnh Phú) đang là sự lựa chọn của du khách trong những ngày hè. Chị Lê Thị Tâm (xã Hựu Thành, huyện Trà Ôn) cho biết: “Ở đây, gia đình tôi khám phá sự hoang sơ của biển Cồn Bửng, tìm hiểu về di tích lịch sử đoàn tàu không số, tìm hiểu cuộc sống của người dân sống bằng nghề chài lưới nơi đây…”. “Cồn Bửng với hải sản tươi sống và giá lại rẻ. Được tự tay lựa những con chù ụ, con bạch tuộc còn tươi sống”, chị Tâm cho biết thêm.
Theo người dân sống ở vùng đất này, “với hình dạng giống như bửng đất nên bãi biển này có tên gọi Cồn Bửng”. Cồn Bửng một trong những bãi biển còn lưu giữ được nét hoang sơ vốn có.
Chúng tôi đến biển Cồn Bửng rất sớm, những chiếc thuyền cá chở về sau hành trình đánh bắt. Những du khách đã đứng trên bờ đợi mua hải sản từ những chiếc thuyền cá đem “thành quả” vào bờ. Nào là cua biển, ghẹ, chù ụ, bạch tuộc, cá… tươi sống. Du khách thoải mái lựa chọn. Chị Lý là du khách, đang lựa những con bạch tuộc sống đang ngo ngoe, cho biết: “Tôi rất thích đến đây để được tha hồ tắm biển và mua hải sản tươi ngon, giá rẻ và thưởng thức tại biển”.
Anh Huỳnh Xuyên với chiếc bếp gas tại bãi biển. Anh nhận hải sản của du khách, làm món hấp, luộc… với tiền công tầm 20.000 đ/kg. Anh Xuyên cho biết, anh đã làm nghề này được 2 năm, với thu nhập trung bình khoảng 400.000-500.000 đ/ngày.
Cùng trải nghiệm một ngày ở bãi biển Cồn Bửng…
Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG