Theo đó, giá vé được đề xuất theo nhiều loại tương ứng các mức giá khác nhau. Cụ thể, vé lượt giá 9.000 – 24.000 đồng/lượt; giá vé lượt thanh toán bằng thẻ nạp tiền là 7.000 – 18.000 đồng/lượt; giá vé một ngày 48.000 đồng, giá vé 3 ngày 108.000 đồng; vé tháng áp dụng cho hành khách phổ thông là 330.000 đồng/tháng; giá vé tháng áp dụng cho học sinh – sinh viên là 165.000 đồng.
Cấu trúc vé được xây dựng dựa trên đề xuất trước đó của Ban Quản lý đường sắt đô thị (MAUR). Bên cạnh đó, còn vé miễn, giảm vé cho các đối tượng ưu tiên theo quy định pháp luật và chính sách an sinh xã hội của thành phố.
Đối với đề xuất miễn, giảm giá vé cho các đối tượng hành khách đặc biệt trong các ngày Thầy thuốc Việt Nam (27.2), ngày Quốc tế phụ nữ (8.3), ngày Quốc tế thiếu nhi (1.6), ngày Thương binh – Liệt sĩ (27.7)… Cần lưu ý chỉ thực hiện khi được cơ quan quản lý chuyên ngành có văn bản chấp thuận.
Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng cho biết mức giá vé đề xuất căn cứ vào báo cáo của chủ đầu tư với phương án giá vé xe buýt hiện nay, đồng thời, đối chiếu với giá vé tuyến tàu điện Cát Linh – Hà Đông để đảm bảo độ hợp lý về giá và khả năng chi trả của hành khách trong giai đoạn vận hành tuyến.
“Với giá vé đề xuất 9.000 – 24.000 đồng/lượt, chi phí sử dụng tuyến metro số 1 là phù hợp với khả năng sẵn sàng chi trả của hành khách theo nghiên cứu của các chuyên gia dự án hỗ trợ kỹ thuật” – phía trung tâm đánh giá.
Tuy nhiên, việc xác định giá vé tuyến metro số 1 cần thỏa điều kiện thu hút người dân sử dụng dịch vụ, đồng thời phù hợp với khả năng chi trả của người dân và khả năng cân đối ngân sách cho trợ giá. Do tuyến metro số 1 chưa đi vào hoạt động và cũng là tuyến đầu tiên hoạt động ở TP.HCM nên chưa có số liệu chính thức, việc xác định chi phí, doanh thu, trợ giá chỉ mang tính chất tương đối. Vì thế, mức giá vé trên được trung tâm đề xuất áp dụng thử nghiệm cho giai đoạn đầu. Sau 1 năm vận hành sẽ thực hiện đánh giá lại và đề xuất điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế.
Để thu hút được hành khách, đơn vị này cũng đề nghị MAUR thực hiện đầu tư nâng cấp để đảm bảo tính hiệu quả của các loại vé trên tuyến, nghiên cứu bổ sung thêm các loại giá vé theo giờ, vé tháng liên tuyến… nhằm tăng nhiều loại hình vé đáp ứng được nhu cầu sử dụng của từng đối tượng sử dụng.
Động thổ vào tháng 8.2012, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TP.HCM dài 19,7 km có tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỉ đồng, từ ga Bến Thành (Q.1) đến depot Long Bình (TP.Thủ Đức) với 3 ga ngầm và 11 ga trên cao. Dự án hiện đã thi công đạt hơn 95% tiến độ, dự kiến hoàn thành thi công và vận hành vào cuối quý 4/2023.