Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa vừa khởi tố vụ án liên quan đến nhóm vệ sĩ dẹp đường cho đoàn xe đám cưới tại TP Thanh Hóa. Vụ việc này gây xôn xao dư luận suốt những ngày qua.
Theo Công an tỉnh Thanh Hóa, hiện cơ quan cảnh sát điều tra đang tạm giữ hình sự 5 nghi phạm là nhân viên của Công ty Vệ sĩ Security để điều tra về hành vi “gây rối trật tự công cộng”.
Đây là nhóm người mặc đồng phục vệ sĩ, tự ý ra đường phân luồng giao thông, chặn đường các phương tiện khác để phục vụ cho đoàn xe đám cưới tại khu vực đại lộ Lê Lợi, TP Thanh Hóa vào chiều 24/11.
Sau khi sự việc bị ghi lại và đăng lên mạng xã hội, lực lượng công an đã xác minh, triệu tập các đối tượng để làm rõ.
Theo quy định, chỉ những người có thẩm quyền như CSGT hoặc các lực lượng được giao nhiệm vụ điều tiết giao thông tại các khu vực thi công, ùn tắc, bến phà hoặc cầu đường bộ mới được phép điều tiết giao thông.
Việc tự ý điều tiết giao thông mà không có thẩm quyền là vi phạm pháp luật. Luật cũng quy định, nếu muốn tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội trên đường giao thông phải được cơ quan có thẩm quyền thống nhất và đồng ý bằng văn bản.
Nếu cần phân luồng, cấm đường ở một số tuyến phải do cơ quan có thẩm quyền ra thông báo, đơn vị sử dụng phải đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng và thực hiện các biện pháp an toàn.
Trong khi đó, nhóm vệ sĩ nêu trên chỉ là các cá nhân hoạt động cho doanh nghiệp, nhằm các mục đích riêng và hoàn toàn không có quyền hạn được phép phân luồng, điều khiển phương tiện hay các hành vi khác can thiệp tới trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Rõ ràng, việc nhóm này tự ý phân luồng giao thông là hành động thể hiện sự coi thường pháp luật.
Hành động nêu trên cũng xâm phạm nghiêm trọng tới trật tự an toàn giao thông đường bộ, gây cản trở, ách tắc giao thông, làm rối loạn các hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Rất may là không có tai nạn xảy ra, nếu không, mọi chuyện chưa biết còn đi đến đâu.
Vì thế, việc cơ quan chức năng xem xét trách nhiệm của nhóm này về tội gây rối trật tự công cộng là hoàn toàn có cơ sở.
Ngoài những người trực tiếp thực hiện hành vi, cơ quan chức năng cũng sẽ xác minh, làm rõ có hay không hành vi chỉ đạo, xúi giục, ép buộc nhóm vệ sĩ thực hiện việc làm trên.
Liệu nhóm vệ sĩ có dám tự ý ra dẹp đường nếu không có sự chỉ đạo và đồng ý của lãnh đạo cũng như yêu cầu từ bên thuê?
Nhóm vệ sĩ này có nắm được quy định của pháp luật nhưng vẫn buộc phải ra dẹp đường, hay không hề phân biệt được đâu là việc làm hợp pháp, đâu là vi phạm?
Đây những câu hỏi cần có trả lời xác đáng và cũng là bài học xương máu cho giới vệ sĩ, bảo vệ, nếu doanh nghiệp có phân công làm những việc vi phạm luật pháp thì kiên quyết từ chối, nếu không muốn lĩnh hậu quả.
Lâu nay, những vụ việc lùm xùm liên quan đến nhân viên bảo vệ, lực lượng vệ sĩ lạm quyền, thậm chí đánh người gây hậu quả nghiêm trọng, sử dụng vũ khí quân dụng để thị uy, ra oai… không phải ít.
Điều này còn liên quan trực tiếp tới hoạt động tuyển dụng, đào tạo của nhiều công ty vệ sĩ còn thiếu chuyên nghiệp, thiếu hiểu biết pháp luật.
Và một khi đã thiếu kiến thức pháp luật, ranh giới giữa hành vi được phép và bị cấm mong manh, việc họ phải đối diện với vòng lao lý là một điều tất yếu.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/ve-si-va-chuyen-lam-quyen-192241205225645626.htm