(VHQN) – Không dích dắc gập ghềnh như đường rừng các xứ, Rừng Cấm ở làng Đại Bình (Nông Sơn) nằm cạnh làng. Bước chân giữa những hàng cổ thụ như mít nài, huỳnh đàn, giáng hương, mù u…, hương rừng cứ khẽ khàng đan xen trong bóng lá. Một không gian nhẹ thênh mở ra giữa trùng điệp xanh ngắt.
Mang ơn rừng
Nắng xiên khoai, yếu ớt vùng vẫy giữa trùng vây lá rừng. Buổi chiều trung du cơn dông vừa dứt. Mặt trời vẫn rướn để tỏa chút nắng tàn sót cuối ngày. Những người trẻ ngẫu hứng rủ nhau làm chuyến vào… Rừng Cấm.
Từ đầu làng, theo con đường bê tông giữa một bên là đồng màu và phía kia rẫy núi, bảng “Rừng Cấm” hiện ra, trở thành địa điểm được giới thiệu trong hành trình về làng du lịch bên sông, khu rừng mang ý niệm như một “khu vườn” lớn của làng, hơn là một cánh rừng thâm sâu huyền bí ở những chốn non cao.
Không gian trong trẻo tĩnh mịch. Nền đất ẩm với thảm lá mục sau mưa, làm êm dịu những bước chân ngẫu nhiên tìm đến. Cô bạn đường nhạy cảm và đôi phần lãng mạn, còn nói mình hình như nghe được tiếng sự sống thành hình.
Hiệp hội Du lịch xanh Quảng Nam cùng Sở VH-TT&DL Quảng Nam, Sở Du lịch Đà Nẵng phối hợp với UBND huyện Nông Sơn đang tính toán để xây dựng tour tuyến, tạo điều kiện để các hãng lữ hành đưa khách từ các thành phố về Hòn Kẽm, Đại Bình. Trong Ngày hội du lịch văn hóa Đại Bình tổ chức giữa tháng 8 tới đây, Rừng Cấm sẽ được giới thiệu như một điểm đến cần khám phá của du khách khi đến với lễ hội.
Đại Bình, với tên Nôm là Đại Bường – là tên làng cũ có cùng thời với những làng cũ nhất của Quảng Nam. Kể từ năm 1602 sau khi chúa Nguyễn Hoàng thiết lập dinh trấn Quảng Nam và phân định hệ thống làng xã, phủ huyện, thì cũng đồng thời có làng Đại Bường.
Dân làng Đại Bình không ai gọi Rừng Cấm, mà chỉ đơn thuần là “Cấm”. Họ đi “Cấm”, vào “Cấm” để kiếm củi, kiếm thuốc, có khi còn vào săn bắt. Ở “Cấm”, có hàng chục cây cổ thụ thân to hơn hai vòng tay người ôm.
Ông Nguyễn Văn Lạng, người già uy tín của làng Đại Bình nói, khu Rừng Cấm này đã có từ lâu đời, ngay lúc ông cha khai khẩn ra vùng đất Đại Bình, đã có một chốn thiêng với cỏ cây xanh nghít.
“Để giữ không cho người vào rừng khai thác quá đà, dân làng chúng tôi tự ban đặt ra luật… cấm. Tên Rừng Cấm, hay “Cấm” có từ đó đến nay. “Cấm” là nơi che chắn cho người dân Đại Bình, là bức tường thành vững chãi, che chắn gió bão từ phía bắc thổi xuống.
Cấm cũng là nơi dân làng chúng tôi tránh lũ lụt, chiến tranh. Bình địa khu Rừng Cấm cao ráo, nước không chảy xiết, cũng như lụt thì nước không ngập đến. Nên đây cũng là nơi người dân trú ngụ qua cơn lụt năm Thìn 1964” – ông Lạng nói.
Người dân nơi chốn được mệnh danh ngôi làng bình yên dù binh biến tao loạn, hình như ai nấy đều mang ơn Rừng Cấm. Ông già sống trong ngôi nhà mái ngói ba gian trước đường dẫn vào Cấm, tự hào rằng người làng Đại Bình sống lâu bởi được hít thở dưỡng khí từ cánh rừng ngay đầu làng. Rừng có những cây thuốc quý và cây ăn quả, nên cứ mặc nhiên là nơi người dân chốn này tựa vào đó, những lúc khó khăn, ngặt nghèo.
So với thảm thực vật tài nguyên ở Núi Chúa, Rừng Cấm có quy mô nhỏ hơn. Nhưng với những ai lớn lên từ làng này, thì đó là một chốn thiêng.
Cây cỏ đặc biệt
Nghiên cứu từ nhóm chuyên gia của Trường Đại học Đà Lạt cho biết, Cấm vẫn là khu rừng còn khá nguyên sinh với nhiều cây gỗ lớn. Về mặt sinh thái, Rừng Cấm được xem như lá phổi xanh, tạo ra sự hài hòa về không gian, điều hòa sinh thái cho làng. Về mặt tài nguyên, qua đánh giá ban đầu, hiện trong rừng có 10 nhóm tài nguyên cây gỗ và tài nguyên cây thuốc.
“Tuy không rộng nhưng khu vực Rừng Cấm còn tồn tại nhiều danh mộc. Ngoài huỳnh đàn, nơi đây còn có huỷnh, giáng hương, mít nài, mù u, cây trai và nhiều loại dược liệu quý khác. Đặc biệt, trong Rừng Cấm có 51 cây huỳnh đàn, đây là cây gỗ quý hiếm, có tên trong Sách đỏ Việt Nam được xếp hạng ở thang VU – sẽ nguy cấp, cần có biện pháp bảo vệ, phát triển nguồn gen. Không gian Rừng Cấm đóng vai trò như chiếc “van điều hòa” cho cả hệ sinh thái của làng” – nghiên cứu từ Trường Đại học Đà Lạt về tiềm năng du lịch Đại Bình.
Ở Rừng Cấm có một giống mít mà hình như bất cứ người nào từ làng này đều “lớn lên trong mùi thơm của nó”.
Một người xứ này viết: “Trái mít nài lớn hơn nắm tay, ủ trong lá ba bốn ngày thì chín bủn. Múi mít nhỉnh hơn ngón tay trỏ, mùi thơm lạ lùng; mỗi đứa ăn nửa trái đã nghe đầu ong ong. Múi mít nài ăn nhiều nó say còn hơn say rượu. Ngon nhứt vẫn là hạt mít.
Chúng tôi chặt giang, bện thành cái rổ, đem cả đống mít nài xuống suối bỏ vô rổ đạp nát nhừ ngay dòng nước chảy xiết. Múi mít tan trôi đi, chỉ còn hạt. Hạt mít nài đem phơi hai nắng, đổ cát vào nồi khuấy đều rang lên. Những người dè sẻn, đem hạt mít nài bỏ trên giàn bếp. Đêm đông lạnh, lấy hạt từ giàn bếp ra rang ngồi nhìn nước lụt, nỗi cô đơn bỗng thơm ngát”.
Để rồi mùi thơm này cứ lan theo hành trình đời người, trên mỗi chặng dừng nghỉ lại nghe mùi quê hương tỏa ngát. Để sống lành, sống thiện hơn…
Chúng tôi vẫn cứ tiếc nuối những cây cỏ tuổi thơ gắn với cánh rừng cùng chuyện kể từ rừng mà những bậc cao niên nắm giữ. Lời mời gọi từ cỏ cây đặc biệt cùng những huyền bí khu rừng đang ẩn giấu, hình như chưa đủ sức để kích thích người ưa khám phá.
Nhiều năm liền, lễ hội du lịch cộng đồng Đại Bình mới chỉ dừng ở việc giới thiệu về một vùng cây trái, một không gian sống xanh với những đường làng và cung cách sống lâu đời của người dân. Tiềm năng Rừng Cấm cùng ý hướng khai thác du lịch từ rừng, với trải nghiệm “tắm rừng” và ngồi lắng nghe các âm thanh trong khu rừng, chụp ảnh cùng cỏ cây rừng nguyên sinh, cắm trại sinh tồn… vẫn chưa thể thành hiện thực.