Sau 28 năm làm nghề nuôi trồng thuỷ sản ở Khánh Hoà, chị Đặng Thị Tâm (sinh năm 1972, ở thôn Xuân Phương, xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) quyết định về quê khởi nghiệp với mô hình nuôi ốc hương.
Cuộc sống của người dân thôn Xuân Phương khá khó khăn, chủ yếu làm nông nghiệp. Vì vậy, chưa tròn 20 tuổi, chị Tâm đã vào Khánh Hoà đi làm thuê. Sau một thời gian làm thuê, học hỏi được kỹ thuật nuôi trồng thuỷ sản, vợ chồng chị Tâm đã nuôi tôm giống, tôm thịt…
Gặp nhiều thăng trầm trong nghề, có lúc khá giả, có lúc kiệt quệ vì dịch bệnh, được “mùa mất giá”, trước bối cảnh nghề nuôi tôm đối mặt với nhiều khó khăn, vợ chồng chị Tâm quyết định chuyển sang nuôi ốc hương. Việc nuôi ốc hương ở Khánh Hoà đang ổn định thì cách đây 6 năm, chị Tâm cùng chồng quyết định dịch chuyển mô hình này về quê.
Vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội được 100 triệu đồng, cộng với số tiền mượn được của người thân và tiền tích luỹ, tất cả được khoảng 2 tỷ đồng, vợ chồng chị Tâm thuê đất, cải tạo đất, mua giống và bắt đầu khởi nghiệp nuôi ốc hương ở quê nhà.
Chị Tâm cho biết, do đã có kinh nghiệm từ trước nên việc nuôi ốc hương của vợ chồng chị ở xã Mỹ An khá thuận lợi.
“Nước để nuôi ốc hương được lấy từ lòng đất nên rất sạch. Nhờ vậy, việc nuôi ốc hương ở quê cũng dễ thành công hơn. Mỗi năm, doanh thu của gia đình tôi đạt khoảng 1,2 tỷ đồng.
Nuôi ốc hương có nhiều ưu điểm như: ít công chăm sóc, mỗi ngày chỉ cho ăn một lần, chi phí thức ăn rất thấp. Đáng chú ý là có thể sử dụng thức ăn từ chế biến cá tạp để thay thế thức ăn công nghiệp. Nhờ vậy, chúng tôi tiết kiệm được đáng kể chi phí sản xuất”.
Nhận thấy hiệu quả của mô hình này, nhiều gia đình ở xã Mỹ An và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi cũng đến học hỏi kinh nghiệm.
Vốn chăm chỉ, chịu khó, nên bên cạnh việc nuôi ốc hương, chị Tâm còn làm thêm dịch vụ. Sau khi tham gia học lớp nấu ăn do Hội LHPN xã phối hợp tổ chức, chị đã mở dịch vụ nấu đám tiệc lưu động.
Dịch vụ này đã tạo việc làm cho khoảng chục lao động nữ tại địa phương, với thu nhập khoảng 2,5 triệu đồng đến 3 triệu đồng/tháng.
“Mình có sức khoẻ thì mình phải tận dụng nhiều cơ hội để làm, cũng là tạo công việc, thu nhập cho những chị em có hoàn cảnh khó khăn. Tôi cũng muốn, sự cố gắng, chăm chỉ của mình sẽ là tấm gương cho các con học theo, để các con thấy rằng sự chăm chỉ sẽ tạo ra thành quả và luôn luôn phải phấn đấu để kinh tế gia đình mỗi ngày phát triển hơn”, chị Tâm chia sẻ.
Năm 2023, chị Đặng Thị Tâm được UBND tỉnh Bình Định tặng Bằng khen vì đã có mô hình sản xuất hiệu quả, ổn định, giúp nông dân xóa đói giảm nghèo và tạo việc làm, thu nhập cho người lao động từ năm 2022 đến năm 2023.
Tại địa phương, chị Tâm là Chi hội phó Chi hội phụ nữ thôn luôn tận tâm, hết lòng trong phong trào phụ nữ và công tác Hội.
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/ve-que-khoi-nghiep-sau-28-nam-di-lam-an-xa-20240520165135638.htm